Một cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp trồng người

Chủ nhật - 18/07/2021 05:12 260 0
Trong cái nóng hầm hập đầu tháng 7, chúng tôi nhận được tin Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Tiến Chấn, người thầy mẫu mực của ngành giáo dục Bắc Ninh về cõi người hiền. Thầy ra đi khi vừa bước sang tuổi đại thọ (90 tuổi), khép lại một cuộc đời sôi nổi hiến dâng cho sự nghiệp trồng người vùng đất học Kinh Bắc trong gần bảy thập niên. NGND Nguyễn Tiến Chấn là một nhân cách lớn, tấm gương thầy tỏa sáng trong tâm khảm lớp lớp thế hệ đồng nghiệp và học trò Bắc Ninh nói chung, đặc biệt là trường THPT Thuận Thành số 1; phương pháp quản lý và giáo dục của thầy: Dạy thật, học thật, thi thật, kết quả thật trải qua hơn nửa thế kỷ vẫn vẹn nguyên giá trị.
Một cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp trồng người

Chuyện phát hiện và tiến cử người tài

Năm 1955, Nguyễn Tiến Chấn là học sinh duy nhất tỉnh Bắc Ninh được tuyển vào khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. 29 tuổi, thầy Chấn được giao Phụ trách Trường Trung cấp Sư phạm Bắc Ninh. Ông quan niệm, muốn thành Hiệu trưởng tốt trước hết phải là nhà quản lý giỏi, muốn quản lý giỏi phải có kiến thức toàn diện, nghĩa là giỏi 1 môn và biết nhiều môn. Như vậy mới có thể phát hiện và bồi dưỡng kịp thời nhân tố tiêu biểu.
Có lần ông kể: “Một sáng thu 1963, tôi đang chăm chú nghiên cứu cuốn Tập san Toán - Lý của ĐH sư phạm Hà Nội thì phát hiện một điều thú vị: Định lý hình học xạ ảnh của GS Toán học Nguyễn Cảnh Toàn được một sinh viên năm thứ 2 chứng minh ngắn gọn từ 2 trang xuống 1 trang giấy. Cậu  sinh viên ấy là Nguyễn Nhung, người Hương Canh (Vĩnh Phúc). Cùng “dân” Toán, tôi ấn tượng đặc biệt về Nguyễn Nhung”.
Năm 1965, thầy Chấn được điều về trường cấp III Thuận Thành làm Hiệu trưởng, tháng 8 năm ấy, Bộ GD-ĐT phân công một số sinh viên sư phạm nhận công tác tại tỉnh Hà Bắc. Trường cấp III Thuận Thành thiếu giáo viên Toán, Hiệu trưởng đạp xe lên Sở xin 1 chỉ tiêu thì bất ngờ thấy cái tên Nguyễn Nhung quê Hương Canh, thế là ông bằng mọi cách xin bằng được Nguyễn Nhung về trường và sung ngay vào tổ Toán.  Ở trường cấp III Thuận Thành, thầy giáo trẻ Nguyễn Nhung được Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn khơi nguồn đam mê sáng tạo rồi nhanh chóng trở thành giáo viên Toán cốt cán của trường, từ bệ phóng ấy mà cuộc đời thầy giáo Nguyễn Nhung bước sang trang mới.
Năm học 1966-1967, Sở GD-ĐT Hà Bắc mở lớp chuyên Toán của tỉnh đặt tại Từ Sơn, rồi Yên Phong, chính Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn lại lọc cọc đạp xe lên Sở GD-ĐT đề nghị: “Theo ý kiến của tôi thì Hà Bắc hiện không có ai dạy Toán giỏi hơn Nguyễn Nhung, vì vậy mặc dù rất tiếc nhưng tôi vẫn xin tiến cử anh này cho khối chuyên Toán của tỉnh…” Chính môi trường mới đã tạo cơ hội tốt cho thầy giáo trẻ Nguyễn Nhung thăng tiến dần rồi làm tới chức Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NGND.
Xuân Tân Mão 2011, NGND Nguyễn Tiến Chấn mừng thọ 80 tuổi, tôi được mời dự và gặp gỡ NGND Nguyễn Nhung. Khi được hỏi về kỷ niệm những năm đầu công tác, ông trải lòng: “Tôi may mắn và vô cùng biết ơn trường cấp III Thuận Thành, nơi có người Hiệu trưởng đáng kính đã nhận rồi lại tiến cử tôi. Tôi luôn coi thầy Chấn là người anh, người thủ trưởng mình chịu ơn sâu sắc”.

Từ chối làm Phó Giám đốc Sở

Ít ai biết rằng đầu những năm 1980, Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn từng từ chối thiện chí cấp trên mời lên Sở GD-ĐT làm Phó Giám đốc. Lý do của ông rất đơn giản, lên Sở thì không được dạy học mà tâm nguyện cũng như mục tiêu của ông là được đứng lớp!
Được biết trong 25 năm làm Hiệu trưởng trường cấp III Thuận Thành, thầy Nguyễn Tiến Chấn chưa bao giờ rời bục giảng. Đây có lẽ là điều hiếm có của Hiệu trưởng các cấp học từ trước đến nay.
Trọng nhân cách đồng nghiệp, năm 1983 khi mới được bổ nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Ngô Văn Luật (sau làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) đã chủ động điện thoại cho Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn: “Cấp trên giao cho tôi nhiệm vụ nặng nề, tôi rất muốn gặp anh trao đổi thẳng thắn kinh nghiệm quản lý cho ngành tốt lên”.
Khi về trường, điều tâm đắc nhất của ông Luật chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá một cơ sở giáo dục mà Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn với kinh nghiệm dày dạn của bản thân đã “hiến kế” cho Giám đốc Sở. Theo ông Chấn, để đạt kết quả cao, tránh bệnh hình thức thì việc đi cơ sở, kiểm tra các cơ sở giáo dục nên tiến hành… ngược những gì Sở đang làm khi ấy. Nghĩa là, muốn kiểm tra một cơ sở giáo dục thì sát ngày Sở mới thông báo cho trường biết. Khi về trường, cán bộ Sở không chè nước dông dài mà nên thăm quan trường, lớp rồi dự giờ luôn. Mà nên dự giờ ít nhất 3 đối tượng giáo viên được trường đánh giá là tốt, trung bình và kém. Còn thời gian thì tiếp xúc với học sinh lắng nghe tâm tư nguyện vọng. Làm như vậy chắc chắn cơ sở không thể có thời gian báo cáo và “diễn” theo kiểu chuẩn bị sẵn. Trên cơ sở đó, tốt thì biểu dương, hạn chế thì yêu cầu khắc phục. Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn nhấn mạnh rằng, ông học điều này từ Bác Hồ, bởi đây cũng chính là cách Bác thường làm khi đi cơ sở.
Không lâu sau cuộc gặp, Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Văn Luật điện phản hồi Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn: “Tôi đã thực hiện đúng quy trình của anh tại nhiều cơ sở giáo dục và thấy đạt hiệu quả rõ rệt. Bệnh hình thức giảm, toàn ngành tập trung thực hiện mục tiêu dạy thật - học thật - thi thật để có chất lượng thật…”.

Làm khuyến học ở đất học

Năm 1990, Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Chấn nghỉ hưu theo chế độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc Ngô Đình Loan đề nghị ông tham gia công tác khuyến học xã Song Hồ. Đáp lại thiện chí cấp trên, thầy Nguyễn Tiến Chấn đã xây dựng Song Hồ thành đơn vị đầu tiên và là điểm sáng toàn Hà Bắc về công tác khuyến học, khuyến tài.
Đúng 10 năm sau, huyện Thuận Thành thành lập Hội Khuyến học, thầy Nguyễn Tiến Chấn được đề nghị làm Chủ tịch Hội (thường chức danh này do lãnh đạo huyện đương chức kiêm nhiệm). Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Ngô Đình Loan khuyến khích: “Ông Chấn sinh ra để làm giáo dục và khuyến học”. Quả vậy, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, Thuận Thành được cả nước biết đến là vùng đất học tiêu biểu xứ Kinh Bắc. Cũng vì là điểm sáng tiêu biểu toàn quốc, Hội khuyến học Thuận Thành vinh dự tiếp đón nhiều tổ chức khuyến học khắp trong Nam, ngoài Bắc đến giao lưu, học tập kinh nghiệm. Nhà giáo Nguyễn Tiến Chấn chính là người đã thắp sáng ngọn lửa khuyến học rồi truyền cảm hứng để ngọn lửa ấy tỏa sáng khắp nơi. Năm 2011 khi bước sang tuổi tám mươi, ông mới thực sự nghỉ ngơi, vui thú điền viên bên con cháu…
Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngôi nhà của ông ở vùng “đất vui” Lạc Thổ (thị trấn Hồ) lại ngập hoa tươi cùng những lời chúc mừng tốt đẹp mà học trò, đồng nghiệp dành tặng. Tấm gương thầy Chấn đã lan tỏa, truyền cảm hứng đến lớp lớp thế hệ học sinh và giáo viên ngành giáo dục Bắc Ninh, nhất là với thầy trò Trường THPT Thuận Thành số 1 phấn đấu vươn lên.
Ngày nay, tại ngôi trường mà thầy từng 25 năm làm Hiệu trưởng, những đam mê, lòng tốt, ý chí nghị lực vẫn luôn giao thoa gặp gỡ góp phần làm nên “thương hiệu” THPT Thuận Thành số 1, điểm sáng toàn diện, niềm tự hào đất học Bắc Ninh, mà người truyền cảm hứng và tạo được sức lan tỏa lâu bền nhất không ai khác chính là cựu Hiệu trưởng đáng kính, NGND Nguyễn Tiến Chấn…

Ghi chép của THANH TÚ - http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-phong-su-va-ghi-chep/-/details/20182/mot-cuoc-oi-hien-dang-cho-su-nghiep-trong-nguoi

Nguồn tin: baobacninh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay11,108
  • Tháng hiện tại315,401
  • Tổng lượt truy cập13,788,513
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây