Vắc-xin phòng COVID-19 được coi là giải pháp “sáng”, có tính căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch.
Ảnh: Tiêm vắc-xin cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch.
Linh hoạt giãn cách
Giãn cách xã hội là phương pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 khi hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người trong cộng đồng. Nghiên cứu kỹ để hiểu đúng về các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh đã áp dụng một cách phù hợp với diễn biến và đặc thù của từng địa bàn. Vì vậy, tại những địa bàn có diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch trong cộng đồng và KCN như Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 (BCĐ) tỉnh đã ra quyết định thực hiện các giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong khi đó, các huyện Tiên Du, Lương Tài, thị xã Từ Sơn thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg do nguy cơ thấp hơn. Trên quan điểm nguy cơ càng cao thì áp dụng các biện pháp càng mạnh, lần đầu tiên có những thuật ngữ “15+”, “16+” được nhắc đến trong thực hiện giãn cách xã hội tại Bắc Ninh.
Tại các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg, UBND tỉnh nhiều lần có văn bản chỉ đạo nhằm siết chặt giãn cách xã hội với mục tiêu thiết lập được những lớp chắn dịch vững chắc ngay từ vòng ngoài. Phương châm: “Gia đình cách ly với gia đình, thôn/xóm/khu phố cách ly với thôn/xóm/khu phố, xã cách ly với xã, phường cách ly với phường” được chỉ đạo thực hiện triệt để. Hàng loạt biện pháp mạnh đã được triển khai như: Thiết lập hơn 1.000 chốt kiểm soát dịch từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; phát thẻ đi chợ luân phiên cho nhân dân; yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong các trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp. Để chống dịch, người dân được yêu cầu không ra đường sau 20 giờ, trừ các trường hợp: Thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về; thực hiện quản lý chặt công nhân trong các nhà trọ… Đối với các cơ quan nhà nước, tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc quản lý chặt việc giãn cách xã hội như: Triển khai các giải pháp giảm số người tại các trụ sở cơ quan nhà nước; cán bộ, công chức tăng cường ứng dụng CNTT làm việc tại nhà…
Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, Bắc Ninh đã thực hiện khá tốt chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp… Tại các địa phương ghi nhận những ca nhiễm, ngay lập tức đã được cách ly y tế theo hướng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” với các chốt cứng vòng trong, chốt mềm vòng ngoài nên đã nhanh chóng chặt đứt chuỗi lây nhiễm. Khi các địa bàn nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới, đủ điều kiện thì được nới lỏng giãn cách xã hội kịp thời, tạo điều kiện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời vẫn siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ mới.
Chính nhờ linh hoạt, kịp thời trong việc thực hiện giãn cách xã hội với những biện pháp quyết liệt và hiệu quả của tỉnh đã hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh đồng thời duy trì, phát triển sản xuất, vì sự phát triển bền vững.
Không để “đứt gãy” chuỗi sản xuất
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan đã chia sẻ: Một trong những đặc điểm của tỉnh công nghiệp đặc thù như tỉnh Bắc Ninh, là khi dịch xảy ra đã có yếu tố len lỏi giữa cộng đồng và các doanh nghiệp, nên vấn đề xử lý triệt để khó hơn rất nhiều. Bắc Ninh lại là tỉnh có mật độ dân số rất đông, gấp 5 lần bình quân chung cả nước. Nếu Bắc Ninh chọn phương án đơn giản, thuận lợi cho chính quyền, đó là cứ đóng băng tất cả nền kinh tế lại để tập trung cho công tác phòng chống dịch, sau đó rồi mới làm các giải pháp khác, về mặt chống dịch dễ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy rất nghiêm trọng. Toàn tỉnh hiện có tới 36 khu, cụm công nghiệp, trong đó có 10 KCN lớn với tổng số 450.000 lao động đến từ 21 tỉnh, thành cả nước, nếu Bắc Ninh đóng cửa tất cả, thì gần nửa triệu công nhân, người lao động sẽ thế nào? Họ đều sẽ đều phải nghỉ việc, ở lại các khu nhà trọ với mật độ đông thì sẽ còn rủi ro hơn về phòng, chống dịch…
Không chỉ có thế, với đặc điểm một tỉnh công nghiệp, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chỉ cần một lệnh đóng cửa toàn bộ các KCN ở Bắc Ninh sẽ tác động đến cả nền kinh tế đất nước và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ tính riêng cho Bắc Ninh, ước tính một ngày dừng sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh sẽ giảm ít nhất 3.600 tỉ đồng, chưa kể còn thương mại, dịch vụ và nhiều thứ khác, thì con số thiệt hại còn lớn hơn. Nếu tính so với % của GRDP, mỗi ngày như vậy, tỉnh sẽ giảm khoảng 0,2% GRDP, thì chỉ cần 1 tháng thôi đã mất đến 6% GRDP. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như là phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh mà còn ảnh hưởng tới quy mô sản xuất công nghiệp của cả nước.
Vì vậy, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa sản xuất, Bắc Ninh đã triển khai hàng loạt biện pháp cụ thể phòng dịch trong các KCN. Điển hình nhất là: Yêu cầu các doanh nghiệp giảm 50% số công nhân sản xuất để giãn cách; đưa công nhân vào lưu trú trong nhà máy (vừa làm việc, vừa ăn ở tập trung tại nhà máy), tỉnh cũng trưng dụng tất cả các trường học trên địa bàn để làm chỗ ở tạm cho công nhân nhằm giãn cách cho các khu nhà trọ; quản lý chặt những công nhân không đi làm ở lại các phòng trọ, ký túc xá công nhân. Trong quá trình triển khai, tỉnh thành lập 40 đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về phòng chống dịch, kiên quyết tạm dừng sản xuất đối với tất cả các nhà máy không bảo đảm các yếu tố phòng, chống dịch đồng thời kịp thời cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại để bảo đảm sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, đây là một “cuộc cách mạng” về tổ chức duy trì sản xuất trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cũng chính là thể hiện bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng thử nghiệm một cách làm mới được các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đặc biệt khen ngợi, biểu dương. Những kinh nghiệm đó cũng được điểm cầu Bắc Ninh chia sẻ với các tỉnh tham khảo trong chống dịch tại các KCN, khu chế xuất và đang được nghiên cứu để nhân rộng trong cả nước.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ Y tế thăm Trung tâm Hồi sức tích cực ICU quy mô 100 giường bệnh mới được đưa vào sử dụng.
Những “đột phá” trong chuyên môn
Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp. Phải đối mặt với sự lây lan của SARS-CoV-2 ở cả 2 mặt trận cộng đồng và KCN là thách thức lớn đối với cả hệ thống chính trị. Virus biến chủng Ấn Độ vừa lây lan nhanh, vừa để lại hậu quả nặng nề, nhiều bệnh nhân trẻ, khoẻ, không có bệnh nền chuyển nặng nhanh, thậm chí tử vong là cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19. Tại Bắc Ninh, trong 5 tuần liên tiếp, số ca mắc mới có nhiều ngày ghi nhận lên đến hàng chục ca, các trường hợp F1, F2 được xác định lên tới hơn 52.000 người. Đây là áp lực lớn đối với công tác cách ly, dập dịch… Trên cơ sở gợi ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bắc Ninh đã đề xuất với T.Ư có hướng dẫn thực hiện cách ly các trường hợp F1 nguy cơ thấp tại nhà nếu đủ điều kiện. Từ cuối tháng 5, Bộ Y tế đã thống nhất cho phép thí điểm cách ly F1 có nguy cơ thấp cách ly tại nhà trên cơ sở bảo đảm các yếu tố phòng dịch như: Có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh riêng biệt, những thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần với F1 và mọi sinh hoạt của F1 phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế đồng thời phải ký cam kết thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung trong thời gian đủ 21 ngày...
Tại Bắc Ninh, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng là giải pháp khoa học để xử lý nhanh các ổ dịch và từng bước gỡ phong tỏa cho những địa phương có nguy cơ thấp hoặc đã không còn yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19. Việc xét nghiệm diện rộng được thực hiện theo phương án: Những địa phương trên 14 ngày không có F0 thì chỉ lấy mẫu xét nghiệm 1 lần, nhưng dưới 7 ngày có ca mới thì lấy ít nhất 3 lần. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ sàng lọc, đánh giá những địa phương trên 14 ngày không phát sinh ca mới, kết quả âm tính sẽ cho thực hiện Chỉ thị 15 hoặc 19. Những thôn có F0 chưa qua 14 ngày tiếp tục quản chặt và thực hiện tiếp các biện pháp sàng lọc. Biện pháp này được thực hiện trước tại các địa bàn phức tạp như Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh, Quế Võ và Yên Phong. Sau xét nghiệm, hàng loạt các khu dân cư đã có quyết định kết thúc cách ly y tế kịp thời, trở lại cuộc sống bình thường mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch của Bộ Y tế tại Bắc Ninh, đây là một giải pháp hiệu quả và cần thiết trong phòng, chống dịch, nhất là khi dịch vẫn còn rải rác. Xét nghiệm diện rộng sẽ giúp xử lý ổ dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất đồng thời tránh được tâm lý hoang mang, âu lo vì dịch còn tiềm ẩn trong cộng đồng.
Cũng trong đợt dịch COVID-19 lần này, việc triển khai chiến lược vắc xin phòng COVID-19 được coi là giải pháp “sáng”, có tính căn cơ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch mà Bắc Ninh đã và đang nỗ lực thực hiện. Cùng với việc ưu tiên tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin, tỉnh xin ý kiến Chính phủ và gấp rút triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng công nhân, người lao động trong các KCN và các địa bàn trọng điểm nhằm phòng, chống dịch và duy trì sản xuất…
Cùng với sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của T.Ư, chính sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc đề xuất và triển khai nhiều giải pháp tạo đột phá đã cộng lực để Bắc Ninh từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình, tiến tới dập tắt dịch bệnh. Đây là bài học sâu sắc, khẳng định bản lĩnh của Bắc Ninh trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đầy phức tạp và cam go này.
(Còn nữa)
Nguồn tin: baobacninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc