Thông tin chung về Covid 19

Chủ nhật - 23/05/2021 02:49 265 0
1. Bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19)Là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A, đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Phòng bệnh chủ yếu dựa vào biện pháp vệ sinh cá nhân, phát hiện và cách ly sớm, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nghi ngờ, phòng chống lây truyền tại cộng đồng và vệ sinh môi trường.
Thông tin chung về Covid 19

2. Đường lây truyền, thời gian ủ bệnh

- Bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua giọt bắn đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

- Thời gian ủ bệnh trong vòng 14 ngày. Người mang SARS-CoV-2 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh.

- Khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như nhà máy, nhà ga, bến tàu xe, sân bay, lễ hội, trên phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch, trường học... sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan.

3. Triệu chứng biểu hiện bệnh

- Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: Sốt, ho, đau rát họng, khó thở, có trường hợp viêm phổi, viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.

- Một số người nhiễm SARS-CoV-2 có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng hoặc không có triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.

Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh: Là người có ít nhất một trong các triệu chứng: Sốt, ho, khó thở hoặc viêm phổi và có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

+ Có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc COVID-19 lây truyền nội địa theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

+ Có tiền sử đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

+ Tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

- Ca bệnh xác định: Là ca bệnh nghi ngờ hoặc bất cứ người nào có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

- Người tiếp xúc gần: Là người có tiếp xúc trong vòng 2 mét với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh, bao gồm:

+ Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

+ Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

+ Người cùng nhóm: Du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp... với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh.

+ Người ngồi cùng hàng và trước, sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy...) với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh. Trong một số trường hợp cụ thể, tuỳ theo kết quả điều tra dịch tễ, cơ quan y tế sẽ quyết định việc mở rộng danh sách người tiếp xúc gần đối với hành khách đi cùng một phương tiện giao thông.

+ Bất cứ người nào có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong thời kỳ mắc bệnh ở các tình huống khác.

4. Một số nguyên tắc, khái niệm về phòng và điều trị

- Hiện nay bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh, cách ly những người tiếp xúc vòng 1 (là người tiếp xúc với ca bệnh xác định), tiếp xúc vòng 2 (là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần).

- Thực hiện các biện pháp dự phòng giọt bắn để tránh lây nhiễm trực tiếp do hít phải giọt bắn có chứa vi rút phát tán trong không khí thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện và các biện pháp dự phòng tiếp xúc để tránh lây nhiễm gián tiếp do chạm tay vào các bề mặt bị nhiễm vi rút rồi chạm vào mắt, mũi, miệng. Các biện pháp dự phòng chung gồm: Hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết; nếu phải ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; khai báo y tế điện tử.

- Khoảng cách tối thiểu, đeo khẩu trang thực hiện theo quy định của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Rửa tay được hiểu là rửa tay với nước sạch và xà phòng ít nhất trong thời gian 30 giây hoặc vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn tay.

- Dung dịch sát khuẩn tay: Phải chứa ít nhất 60% cồn hoặc các hoạt chất diệt khuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

- Dung dịch khử khuẩn bề mặt: (i) Chai xịt tẩy rửa đa năng dùng sẵn hoặc (ii) Pha dung dịch tẩy rửa bồn cầu gia dụng (chứa khoảng 5% sodium hypochlorite theo tỷ lệ 10ml dung dịch tẩy rửa với 1 lít nước) hoặc (iii) Các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc (iv) 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 01 phút) hoặc (v) Cồn 70%. Thời gian cách ly sau khi khử khuẩn ít nhất là 30 phút. Khử khuẩn bề mặt theo nguyên tắc lau từ nơi sạch đến nơi bẩn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Trường hợp bề mặt vật dụng bẩn thì cần làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn.
 

Nguồn tin: Công thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay14,352
  • Tháng hiện tại281,125
  • Tổng lượt truy cập13,754,237
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây