Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng ta. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trải qua nhiều lĩnh vực công tác, với những cương vị quan trọng khác nhau, đồng chí Lê Quang Đạo luôn phấn đấu không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cộng sản. Suốt cả cuộc đời đồng chí đã cống hiến hết mình cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí Lê Quang Đạo có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Lê Quang Đạo sinh ngày 8-8-1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Do sớm giác ngộ và tích cực hoạt động cách mạng, năm 1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó, được giao nhiệm vụ Bí thư chi bộ, và là Ủy viên Ban Cán sự Đảng phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Những năm 1941 - 1945, đồng chí đảm trách các nhiệm vụ: Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Thành phố Hà Nội. Với năng lực tư duy và trình độ lý luận cao của mình, đồng chí được chỉ định trực tiếp tham gia trong Ban biên tập Báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, Báo Cờ giải phóng - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng cùng Tổng Bí thư Trường Chinh và đã có những đóng góp nhất định cho công tác lý luận, công tác tuyên truyền của Đảng trong thời kỳ này. Với khả năng tư duy và trình độ lý luận của mình, đồng chí Lê Quang Đạo còn được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng bài ở các lớp bồi dưỡng lý luận về Đảng và công tác cách mạng cho các nhóm cốt cán của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội và Hội Văn hóa Cứu quốc. Tháng 5-1945, đồng chí Lê Quang Đạo được giao phụ trách Báo Quyết thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang) và một số nơi khác trong vùng địch tạm chiếm. Tháng 8-1945, đồng chí được cử làm Chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang. Những bài báo của đồng chí đăng trên báo Cứu quốc trong thời kỳ này thể hiện một năng lực tư duy lý luận sắc sảo và thực tế đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Những hoạt động trên của đồng chí đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, thúc đẩy và phát triển công tác lý luận của Đảng trong thời kỳ tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ, từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1950, đồng chí lần lượt được giao đảm trách các cương vị công tác: Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông. Cuối năm 1948, đồng chí là Khu ủy viên, rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy Liên khu III, phụ trách công tác tuyên huấn. Cuối năm 1949, đồng chí làm Phó Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng. Trong thời kỳ này, với cương vị công tác Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền tư tưởng, lý luận, đồng chí Lê Quang Đạo có nhiều bài nói, bài viết quan trọng góp phần phát triển công tác lý luận của Đảng. Từ tháng 9-1950, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng điều vào quân đội đảm nhiệm Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới, rồi Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Hòa bình lập lại năm 1954, đồng chí làm Phó trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt - Pháp. Tháng 5 - 1955, làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, địch vận, đối ngoại của quân đội, và năm 1958, được phong quân hàm Thiếu tướng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm 1961, đồng chí kiêm chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Quang Đạo là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời, trực tiếp làm chính ủy, bí thư đảng ủy nhiều chiến dịch có ý nghĩa chiến lược dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Bộ Tổng tư lệnh. Năm 1974, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Năm 1974-1975, đồng chí tiếp tục là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Quân đội. Trong chiến dịch Tổng tấn công mùa xuân 1975, đồng chí luôn có mặt ở Tổng hành dinh, tham gia chỉ đạo từ Chiến dịch mở màn Buôn Ma Thuột đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những đóng góp to lớn và quan trọng trong công tác chính trị, công tác tư tưởng, lý luận, văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, được mệnh danh là "Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội". Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: "Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu. Anh được Quân ủy Trung ương giao nhiều trọng trách trong các chiến dịch lớn: phụ trách công tác tuyên huấn trong Chiến dịch Biên giới (1950), Phó Chủ nhiệm chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quyền Chính ủy Đại đoàn 308 trong cuộc tấn công sang Thượng Lào, Phó trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban đình chiến Việt - Pháp. Kháng chiến chống Mỹ, anh thường có mặt ở những chiến trường nóng bỏng, đã từng là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Khe Sanh (1968), Chiến dịch phản công quy mô lớn Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Trị Thiên, giải phóng Quảng Trị”(1). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp làm Trưởng ban Ban Khoa giáo Trung ương. Từ năm 1983 đến năm 1987, đồng chí giữ các chức vụ: Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác dân vận của Đảng, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), đồng chí tiếp tục được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ III (1988) đã bầu đồng chí vào Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với cương vị Trưởng ban Ban Khoa giáo, đồng chí Lê Quang Đạo có tầm nhìn bao quát, đặc biệt quan tâm đến mọi ngành khoa học, công tác quản lý khoa học và hoạt động khoa học, đồng chí đã đề xuất quan điểm đổi mới, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, coi trọng bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức, trí thức trẻ. Đồng chí và Ban Khoa giáo Trung ương đã mời các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức có tâm huyết đóng góp ý kiến thẳng thắn cả về lý luận và thực tiễn nhằm góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn hiện tại để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Qua các buổi gặp gỡ, thảo luận, trao đổi giữa lãnh đạo Ban Khoa giáo Trung ương với đội ngũ các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức đã lần đầu tiên đề cập tới các vấn đề về đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, sử dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực… Đồng chí cùng Ban Khoa giáo Trung ương đã tổng hợp các ý kiến, các đề xuất từ các cuộc trao đổi, thảo luận này và đã báo cáo trực tiếp với Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều nội dung mới mẻ của các báo cáo này đã lần đầu tiên được thể hiện trong Báo cáo Chính trị mà Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) - Đại hội khởi xướng sự nghiệp đổi mới, đã thông qua. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã góp phần tích cực đưa đường lối đổi mới của Đảng vào việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là việc đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật. Cụ thể là, đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992 phù hợp với Cương lĩnh năm 1991 - Cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới. Trong việc xây dựng pháp luật, đồng chí đã góp phần tích cực để Quốc hội bàn và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội khóa VIII dưới sự điều hành của đồng chí và Hội đồng Nhà nước đã thông qua nhiều luật và pháp lệnh quan trọng đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đổi mới đất nước. Đồng chí cũng rất chú trọng tới những vấn đề lý luận và thực tiễn, đổi mới phong cách làm việc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thực hiện quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng chí có nhiều bài phát biểu, bài viết quan trọng trong chỉ đạo công tác lập pháp theo quan điểm của Đảng. Đó là các bài khai mạc, bế mạc tại các kỳ họp Quốc hội khóa VIII, IX, X và các bài góp ý về dự thảo các luật... Đặc biệt là Thư gửi Bộ Chính trị (1997), đồng chí góp ý với sự luận giải sâu sắc các nội dung: phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng và hoàn thiện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện mới. Ngoài thực hiện chương trình pháp luật của Quốc hội, đồng chí cùng Quốc hội đóng góp những vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng. Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, khóa mở đầu cho sự đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo tinh thần đổi mới mà Đại hội VI của Đảng đã đề ra, đầu năm 1993, đồng chí được điều sang chuyên trách công tác Mặt trận, với cương vị Bí thư Đảng ủy. Tháng 8-1994, Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ IV đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí hoạt động trên cương vị này cho đến khi từ trần (1999). Đây là thời gian đồng chí dành nhiều công sức, tâm huyết và trí tuệ cho công tác Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Với thời gian bảy năm còn lại của cuộc đời, đồng chí đã dốc sức cùng Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm nhiều việc quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với Đảng đoàn Mặt trận, đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”(17-11-1993). Nghị quyết đã nêu bật quan điểm "Đảng là người lãnh đạo Mặt trận, vừa là thành viên của Mặt trận, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc thực chất là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thừa kế sự nghiệp vẻ vang của các tổ chức Mặt trận trước đây, tiếp tục giương cao ngọn cờ đoàn kết xây dựng và bảo vệ đất nước theo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Nghị quyết đã tạo bước ngoặt cho sự tăng cường đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là với hàng triệu gia đình trước đây làm việc dưới chế độ Mỹ - ngụy và trên hai triệu kiều bào sinh sống và làm ăn ở nước ngoài. Trong các năm 1993 và 1994, cùng Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã tích cực cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Luật Quốc tịch và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - những văn bản mang tính định hướng để tiếp tục nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước. Đồng chí đã cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tích cực nghiên cứu và ra Thông tri "Về cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư" ngày 3-5-1995. Công tác Mặt trận ngày càng hướng về cơ sở, góp phần phát huy tinh thần yêu nước, ý thức dân chủ, tự quản, tinh thần chủ động, tích cực của nhân dân trong xây dựng cuộc sống mới. Đây là những công trình lớn cuối cùng của đồng chí hiến dâng cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ta. Đồng chí Lê Quang Đạo rất quan tâm và coi trọng đến tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận. Đồng chí cho rằng, nếu không đẩy mạnh những mặt hoạt động này, không xuất phát từ thực tiễn thì khó tháo gỡ được những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Đồng chí thường nói, cách mạng càng phát triển càng cần phải nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta tích cực thúc đẩy công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và đã dành nhiều thời gian và công sức cho công tác quan trọng này. Đồng chí thường nêu những vấn đề lý luận và đề xuất việc xác định rõ mối quan hệ đúng đắn giữa Đảng lãnh đạo với tổ chức Mặt trận. Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, đồng chí đều nêu rõ nguyên lý: “Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng chứ không phải thay nhân dân làm cách mạng. Đảng lãnh đạo nhân dân cầm quyền chứ không phải thay nhân dân cầm quyền, tất cả quyền lực phải thuộc về nhân dân như Bác Hồ đã dạy và Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định. Đảng đứng trong nhân dân, trong giai cấp, trong Mặt trận mà lãnh đạo, không thể đứng ngoài và tuyệt đối không đứng trên để lãnh đạo. Sức mạnh vĩ đại của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Tách rời khỏi nhân dân, Đảng không còn sức mạnh nào hết”(2). Khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, ngày 18-4-1996, đồng chí nhấn mạnh: “Không nên hiểu vai trò lãnh đạo của Đảng như là một tổ chức quyền lực cao hơn hết thảy bắt buộc tất cả phải nghe theo. Mà vai trò lãnh đạo của Đảng là vai trò tiên phong: Đảng nắm lý luận cách mạng, các vấn đề khoa học có liên quan, những thực tế tình hình đất nước, tổng kết kinh nghiệm hoạt động của nhân dân, từ đó đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn để đưa cách mạng tiến lên, đem lại lợi ích cho nhân dân. Đường lối được thể chế thành pháp luật. Rồi Đảng tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện đường lối đó để toàn dân noi theo thực hiện”(3). Đây thực chất chính là những vấn đề lý luận căn bản, cốt tử của lý luận Đảng Cộng sản cầm quyền lãnh đạo đất nước. Quá trình tham gia cách mạng lâu dài và gian khổ, trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động công tác khác nhau đã đem lại cho đồng chí Lê Quang Đạo vốn sống phong phú, kiến thức sâu rộng và phương pháp công tác linh hoạt, sáng tạo. Là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, quân đội và Mặt trận, ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Quang Đạo cũng cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng chung. Do năng lực tư duy sắc sảo, nhậy bén và giầu kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí đặc biệt quan tâm phát triển công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Qua các tác phẩm mà đồng chí để lại, có thể khẳng định, đồng chí Lê Quang Đạo đã có đóng góp to lớn cho công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta. Đồng chí Lê Quang Đạo nêu một tấm gương sáng về tác phong say mê với công việc, sự vững vàng và nhạy cảm về chính trị, sâu sắc trong tư duy, tác phong sâu sát, thận trọng trong tổng kết thực tiễn, tìm tòi, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực lý luận trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của đồng chí đều mang tính lý luận sắc sảo, luôn xuất phát từ thực tiễn, từ những vấn đề bức xúc nảy sinh trong cuộc sống được đồng chí khái quát lên thành những vấn đề lý luận, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn. Tác phong thận trọng, tỉ mỉ, nghiêm túc trong khi viết các văn bản, nhất là văn bản có tính lý luận, các tham luận khoa học là nét nổi bật trong phong cách làm việc của đồng chí. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi tiếp đồng chí U-đôm Khát-ti-nhạ, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào dự Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nói: "Đồng chí Lê Quang Đạo là lão thành cách mạng, là nhà lý luận của Đảng chúng tôi"(4). Với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo hoàn toàn xứng đáng với sự đánh giá cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: "Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, ham học hỏi, giầu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và chu đáo, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người"(5)./. ________________________ 1. Lê Quang Đạo (1921-1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 184 -187 2,3. Lê Quang Đạo Tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 715, 746 - 747 4. Lê Quang Đạo (1921-1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 466 5. Lê Quang Đạo (1921-1999), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 564
PGS,TS. Vũ Văn Phúc Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản