I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Bắc Ninh có vị trí địa lý nằm trong phạm vi từ 20
o 58’ đến 21
o 16’ vĩ độ Bắc và 105
o 54’ đến 106
o 19’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp Thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Đây là tỉnh có tổng diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước 822,7 km2.
Toàn tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm: Thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 94 xã, 26 phường và 6 thị trấn.
Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền bắc như: Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn, đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; Trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc; Mạng lưới đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và giao lưu với bên ngoài.
2. Đặc điểm địa hình
Với vị trí nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ nên địa hình của tỉnh Bắc Ninh khá bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, được thể hiện qua các dòng chảy nước mặt đổ về sông Cầu, sông Đuống và sông Thái Bình. Mức độ chênh lệch địa hình trên toàn tỉnh không lớn. Vùng đồng bằng chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh có độ cao phổ biến từ 3 – 7m so với mực nước biển và một số vùng thấp trũng ven đê thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ. Địa hình trung du đồi núi chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,53% so với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh được phân bố rải rác thuộc thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ, các đỉnh núi có độ cao phổ biến từ 60 – 100m, đỉnh cao nhất là núi Bàn Cờ (thành phố Bắc Ninh) cao 171m, tiếp đến là núi Bu (huyện Quế Võ) cao 103m, núi Phật Tích (huyện Tiên Du) cao 84m và núi Thiên Thai (huyện Gia Bình) cao 71m.
3. Khí hậu.
Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, chia làm 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông). Có sự chênh lệch rõ ràng về nhiệt độ giữa mùa hè nóng ẩm và mùa đông khô lạnh. Sự chênh lệch đạt 15-16 °C. Mùa mưa kéo dài từ tháng Năm đến tháng Mười hàng năm. Lượng mưa trong mùa này chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.400-1.600 mm. Nhiệt độ trung bình: 23,3 °C. Số giờ nắng trong năm: 1.530-1.776 giờ. Độ ẩm tương đối trung bình là 79%.
4. Thủy văn
Bắc Ninh có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, mật độ lưới sông khá cao, trung bình 1,0 - 1,2 km/km², có 3 hệ thống sông lớn chảy qua gồm sông Đuống, sông Cầu và sông Thái Bình.
Sông Đuống có chiều dài 42 km nằm trên đất Bắc Ninh, tổng lượng nước bình quân 31,6 tỷ m3. Mực nước cao nhất tại bến Hồ tháng 8/1945 là 9,64m, cao hơn so với mặt ruộng là 3 – 4 m. Sông Đuống có hàm lượng phù sa cao, vào mùa mưa trung bình cứ 1 m3 nước có 2,8 kg phù sa.
Sông Cầu có chiều dài sông Cầu là 290 km với đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh dài 70 km, lưu lượng nước hàng năm khoảng 5 tỷ m3. Sông Cầu có mực nước trong mùa lũ cao từ 3 – 6 m, cao nhất là 8 m, trên mặt ruộng 1 – 2 m, trong mùa cạn mức nước sông lại xuống quá thấp (0,5 - 0,8 m).
Sông Thái Bình thuộc vào loại sông lớn của miền Bắc có chiều dài 385 km, đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh dài 17 km. Do phần lớn lưu vực sông bắt nguồn từ các vùng đồi trọc miền đông bắc, đất đai bị sói mòn nhiều nên nước sông rất đục, hàm lượng phù sa lớn. Do đặc điểm lòng sông rộng, ít dốc, đáy nông nên sông Thái Bình là một trong những sông bị bồi lấp nhiều nhất. Theo tài liệu thực đo thì mức nước lũ lụt lịch sử sông Thái Bình đo được tại Phả Lại năm 1971 đạt tới 7,21 m với lưu lượng lớn nhất tại Cát Khê là 5000 m3/s.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có các hệ thống sông ngòi nội địa như sông Ngũ huyện Khê, sông Dâu, sông Đông Côi, sông Bùi, ngòi Tào Khê, sông Đồng Khởi, sông Đại Quảng Bình, sông Cà Lồ.
Với hệ thống sông này, nếu biết khai thác trị thuỷ và điều tiết nước sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu thoát nước của tỉnh. Trong khi đó tổng lưu lượng nước mặt của Bắc Ninh ước khoảng 177,5 tỷ m3, trong đó lượng nước chủ yếu chứa trong các sông là 176 tỷ m3; được đánh giá là khá dồi dào. Cùng với kết quả thăm dò địa chất cho thấy trữ lượng nước ngầm cũng khá lớn, trung bình 400.000 m3/ngày, tầng chứa nước cách mặt đất trung bình 3–5 m và có bề dày khoảng 40 m, chất lượng nước tốt. Toàn bộ nguồn nước này có thể khai thác để phục vụ chung cho cả sản xuất và sinh hoạt trong toàn tỉnh, trong đó có các hoạt động của đô thị.
II. TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1. Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 822,7 km
2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 53,12%, đất nuôi trồng thủy sản chiếm 6,16%, đất lâm nghiệp chiếm 0,75%, đất chuyên dùng và đất ở chiếm 39,2%, đất chưa sử dụng còn 0,77%.
2.
Tài nguyên nước
Tài nguyên nước mặt toàn tỉnh có khoảng 34 tỷ 900 triệu m3/năm. Tổng lượng nước mặt được khai thác phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt khoảng 479.220.000 m3/năm. Tổng trữ lượng nước ngầm toàn tỉnh khoảng 255.248.150 m
3/năm; Tổng lưu lượng khai thác hiện tại khoảng 94.900.000 m
3/năm. Hiện trạng xả thải vào nguồn nước với lưu lượng xả thải trung bình khoảng 113.150 m
3/năm. Hệ thống sông liên tỉnh gồm 3 sông: Sông Cầu, Sông Đuống, Sông Thái Bình. Sông nội tỉnh gồm 8 sông: Ngũ Huyện Khê, Cà Lồ, Tào Khê, Dâu, Đông Côi-Ngụ, Đồng Khởi, Bùi, Đại Quảng Bình. Về ao, hồ, đầm, có khoảng gần 15.000 ao, hồ, đầm lớn nhỏ. Chất lượng nước mặt và nước dưới đất đều bảo đảm, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, tưới tiêu trong tỉnh.
3.Tài nguyên rừng
Tài nguyên rừng không lớn, chủ yếu là rừng trồng. Tổng diện tích đất rừng là 661,26 ha phân bố tập trung ở Quế Võ (317,9 ha) và Tiên Du (254,95 ha). Tổng trữ lượng gỗ ước tính 3.279 m³, trong đó rừng phòng hộ 363 m³, rừng đặc dụng 2916 m³.
4. Tài nguyên khoáng sản
Bắc Ninh nghèo về tài nguyên khoáng sản, chủ yếu chỉ có vật liệu xây dựng như: đất sét làm gạch, ngói, gốm, với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn ở Quế Võ và Tiên Du, đất sét làm gạch chịu lửa ở thành phố Bắc Ninh, đá cát kết với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn ở Thị Cầu, đá sa thạch ở Vũ Ninh có trữ lượng khoảng 300.000 m³. Ngoài ra còn có than bùn ở Yên Phong với trữ lượng 60.000 - 200.000 tấn.
III. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh là một tỉnh cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây và Tây Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Đông giáp tỉnh Hải Dương. Tổng diện tích đất tự nhiên là 822,7 km2. Theo niên giám thống kê tháng 12/2018, dân số toàn tỉnh là 1.247.454 người, trong đó nam giới chiếm 49,2 %, nữ giới 50,8%; mật độ dân số bình quân 1.516 người/km2.
Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 94 xã, 26 phường và 6 thị trấn.
1. Thành phố Bắc Ninh:
Thành phố Bắc Ninh nằm ở phía Nam sông Cầu, phía Đông Bắc của tỉnh, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 30km về phía Nam. Diện tích thành phố là 82,6 km2, dân số 213.061 người với 19 đơn vị hành chính là 19 phường. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang;
Phía Nam giáp huyện Tiên Du, huyện Quế Võ;
Phía Đông giáp huyện Quế Võ;
Phía Tây giáp huyện Tiên Du, huyện Yên Phong.
2. Thị xã Từ Sơn:
Từ Sơn là thị xã nằm về phía Tây của tỉnh, diện tích là 61,3 km2, dân số 172.360 người với 12 đơn vị hành chính gồm 07 phường và 05 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp huyện Yên Phong;
Phía Nam giám huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội);
Phía Đông giáp huyện Tiên Du;
Phía Tây giáp huyện Đông Anh (TP. Hà Nội).
3. Huyện Tiên Du:
Tiên Du là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh 5km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc. Diện tích tự nhiên của huyện là 95,6 km2, dân số 153.412 người với 14 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 13 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong;
Phía Nam giáp huyện Thuận Thành;
Phía Đông giáp huyện Quế Võ;
Phía Tây giáp thị xã Từ Sơn.
4. Huyện Yên Phong:
Yên Phong là một huyện đồng bằng, nằm ở phía tây tỉnh Bắc Ninh. Diện tích là 96,9 km2, dân số 177.814 người với 14 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 13 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp với hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên (tỉnh Bắc Giang);
Phía Nam giáp huyện Đông Anh (TP. Hà Nội), thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh);
Phía Đông giáp thành phố Bắc Ninh;
Phía Tây giáp huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội).
5. Huyện Quế Võ:
Quế Võ là huyện nằm ở phía Đông tỉnh Bắc Ninh, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Bắc Ninh 10km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây Nam. Diện tích của huyện là 155,1 km2, dân số 172.577 người với 21 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 20 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang);
Phía Nam giáp huyện Gia Bình;
Phía Đông giáp huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương);
Phía Tây giáp huyện Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.
6. Huyện Thuận Thành:
Thuận Thành là huyện ở phía Nam sông Đuống tỉnh Bắc Ninh, diện tích 117,8 km2, dân số 163.790 người với 18 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 17 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp huyện Tiên Du và Quế Võ;
Phía Nam giáp huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên);
Phía Đông giáp huyện Gia Bình và Lương Tài;
Phía Tây giáp huyện Gia Lâm (TP. Hà Nội).
7. Huyện Gia Bình:
Gia Bình là một huyện thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, cách trung tâm thành phố Bắc Ninh 25km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 35 km về phía Tây Nam. Diện tích của huyện là 107,6 km2, dân số 95.388 người với 14 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 13 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp huyện Quế Võ;
Phía Nam giáp huyện Lương Tài;
Phía Đông giáp tỉnh Hải Dương;
Phía Tây giáp huyện Thuận Thành.
8. Huyện Lương Tài:
Lương Tài là một huyện chiêm trũng của tỉnh Bắc Ninh, cách tỉnh lỵ khoảng 30 Km. Diện tích của huyện là 105,9 km2, dân số 99.052 người với 14 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 13 xã. Vị trí tiếp giáp với các địa phương sau:
Phía Bắc giáp huyện Gia Bình;
Phía Nam giáp huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương);
Phía Đông giáp huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương);
Phía Tây giáp huyện Thuận Thành.
IV. ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ
Dân số, lao động là nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua hơn 20 năm tái lập tỉnh và tiến hành công nghiệp hóa, dân số Bắc Ninh đã có những biến động đáng lưu ý. Trong giai đoạn 1997 – 2018, mật độ dân số của tỉnh không ngừng tăng. Năm 1997, mật độ dân số toàn tỉnh là 1.133,4 người/km2, nhưng đến năm 2018 đã tăng lên 1.516 người/km2, tăng 33% so với năm 1997. Mật độ dân số phân bổ không đều, thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn là nơi có mật độ dân số khá cao, bình quân khoảng 2.699 người/km2. Thấp nhất là huyện Gia Bình với 887 người/km2.
Theo thống kê năm 2018, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ước đạt còn 1,12%; mức giảm tỷ lệ sinh đạt 0,46%o, tỷ lệ giới tính khi sinh được khống chế và giảm còn 115 trẻ trai/ 100 trẻ gái, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên của Bắc Ninh là 7,9% cao hơn bình quân trung cả nước 0,8%, tuổi thọ trung bình của tỉnh là 74,3 tuổi, cao hơn bình quân cả nước 0,8 tuổi, cho thấy tỉnh Bắc Ninh cũng chuyển nhanh sang thời kỳ già hoá dân số. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 670.520 người. Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho khoảng 28 nghìn lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,5%. Nâng cao chất lượng thị trường lao động tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm với các giải pháp đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, kết hợp đồng bộ giữa đào tạo nghề với tạo việc làm trong nước và xuất khẩu lao động./.