Trong khi cả xã hội đang đổ dồn mối quan tâm vào vấn đề dịch bệnh thì nhiều bậc phụ huynh có con vào lớp 1 đang gánh thêm nỗi lo về việc học của các con trong năm học đầu cấp.
Phụ huynh Hà Nội: Học trực tuyến lớp 1 không hiệu quả
Ngày 04/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, thời gian tựu trường sớm nhất của lớp 1 từ ngày 23/8/2021.
Với khung kế hoạch này, một số trường tư thục đã bắt đầu cho học sinh học tập trực tuyến từ tuần đầu tháng 8. Đến ngày 16/8, đã có khoảng 30 trường trên cả nước công bố lịch tựu trường tương đối sát với lịch của Bộ.
Tại Hà Nội, nhiều trường công lập cũng đã chuẩn bị tâm thế giảng dạy lớp 1 bằng hình thức trực tuyến. Một số trường cho rằng lớp 1 học trực tuyến cũng được, sao cho việc học đi theo "đúng quỹ đạo" và "ít xáo trộn"; học sinh lớp 1 có thể dễ dàng quen thao tác học trực tuyến sau vài buổi học.
Trước các ý kiến phản hồi của một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm rõ tính linh động trong kế hoạch năm học, quyền tự quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở giáo dục và đào tạo, đồng thời nhấn mạnh việc ưu tiên học trực tiếp cho học sinh lớp 1.
Nhận được thông báo của trường tư thục nơi con tôi đăng ký học, nhóm trò chuyện của phụ huynh đã réo tin liên tục. Một số phụ huynh chia sẻ: "Lớp 1 rèn nét chữ, cần có cô cầm tay chỉ việc, online thì học làm sao?"; "lớp 1 không chỉ để dạy chữ mà còn để rèn tư thế và khơi gợi niềm vui trong học tập"; "các con đang chuyển từ giai đoạn chơi sang giai đoạn học, học 7 tiếng/ ngày, 5 ngày/ tuần, 15 phút giải lao giữa buổi thì khác gì chuyên viên đi làm công sở";
"Thế này thì nỗ lực hạn chế con khỏi máy tính, điện thoại khi còn nhỏ sẽ đổ bể rồi"; "bố hoặc mẹ phải nghỉ để kèm con thôi. Người lớn mình học online ý thức còn chưa cao nói gì đến con trẻ"...
Có những phụ huynh hùng hồn phát biểu "mình sẵn sàng để con học chậm một năm còn hơn là bắt đầu lớp 1 bằng hình thức trực tuyến"… Với tình hình này thì việc để trẻ ở nhà tự học trực tuyến cả ngày là khó có thể hiệu quả. Phương án khả thi nhất có lẽ là một người (bố hoặc mẹ) phải nghỉ việc để kèm con học liên tục trong mấy tháng đầu.
Năm học có thể muộn hơn 1-2 tháng
Là một phụ huynh có con đầu năm nay sẽ bước vào lớp 1 tại Hà Nội, tôi không khỏi lo lắng trước việc học trực tuyến. Bác Hồ kính yêu vẫn thường nói "Trẻ em như búp trên cành". Trẻ em tràn đầy năng lượng nhưng cũng thật mong manh.
Tôi tự hỏi: khi biến đổi khí hậu diễn ra, đến cả mùa vụ gieo trồng còn có thể thay đổi thì vì sao những "búp non" ấy lại phải gồng mình chống chọi với cơn bão công nghệ? Có ai nỡ gieo những hạt giống duy nhất của mình xuống đất khi trời hạn hán lâu ngày?
Không thể phủ nhận sự ưu việt của công nghệ trong thời đại số, nhưng với trẻ em lớp 1, phải chăng đó là giải pháp lợi bất cập hại? Xã hội đang vô cùng bất định trước dịch bệnh, nhưng với nhiều nỗ lực và biện pháp của toàn xã hội, rồi sẽ đến lúc tình hình ổn định trở lại.
Liệu có thể linh động theo hướng bắt đầu năm học muộn 1-2 tháng thì kết thúc muộn năm học muộn 1-2 tháng để tối đa cơ hội cho các con học lớp Một trực tiếp?
Tôi chợt nhớ tới một cuốn sách Montessori của Eve Herrmann có tiêu đề: "Con không muốn làm cây trong lồng kính". Liệu trẻ có còn là trẻ khi tương tác trong những năm tháng đầu đời ở bậc tiểu học là chiếc màn hình vô tri? Con gái 6 tuổi của tôi chạy đến nói với mẹ: "con không muốn trẻ em mang cặp kính".
Thực vậy, nếu cứ cố gắng để học đúng lịch hàng năm bằng hình thức trực tuyến thì cuộc đời sẽ tặng thêm cho các con một cặp kính. Thời nay cặp kính cũng đâu còn quá xa lạ trên gương mặt những đứa trẻ. Nhưng có lẽ điều đáng suy ngẫm hơn là những cặp kính vô hình, nơi mà thế giới quan của trẻ, tương tác của trẻ gần như gói trọn trong hình chữ nhật 14 inch.
Nếu nhìn từ khía cạnh quản lý trong nhà trường, một câu hỏi khác đặt ra là khi lùi lịch khai giảng (đặc biệt là với lớp 1) trong một tháng hay thậm chí là hai tháng thì giáo viên làm gì? Thu nhập từ đâu?
Ngẫm lại cuộc trò chuyện với một Phó Giám đốc của một Bảo tàng ở Hà Nội cách đây không lâu, chị chia sẻ: công việc trong khi giãn cách xã hội thậm chí còn bận gấp nhiều lần cho công tác số hóa, chuẩn bị cho các triển lãm để mở cửa trở lại sau dịch bệnh, rồi các hội thảo quốc tế để trao đổi học thuật và nâng cao năng lực tổ chức triển lãm cho cán bộ.
Tương tự như vậy, nhìn trên phương diện tích cực, việc khai giảng cho học sinh tiểu học đầu cấp muộn hơn so với thông lệ tạo cơ hội cho giáo viên có thêm thời gian để trau dồi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là khi việc triển khai áp dụng các bộ sách giáo khoa mới tại một số trường vẫn còn lúng túng.
Xét trên khía cạnh tài chính, có lẽ chỉ một từ "cảm thông" là đủ trước khó khăn chung của xã hội. Cô giáo có thể giảm lương trong vài tháng khi chưa giảng dạy, trong khi đó, có rất nhiều bậc phụ huynh cũng đang làm việc toàn thời gian với một nửa mức lương, hay tệ hơn là mất việc.
Thiết nghĩ, lớp 1 là năm đầu cấp học phổ thông, nơi mà trẻ không chỉ cần luyện rèn nét chữ, tập vào nề nếp, mà đó còn là những ấn tượng đầu đời của trẻ về sự học.
Thời gian gần đây từ "thật" được nhắc đến nhiều trong các quan điểm của một số nhà giáo dục. Nhưng dường như chữ "thật" với trẻ em học lớp 1 chỉ chân phương, mộc mạc với nghĩa đen thuần túy: "Em yêu trường em, với bao bạn thân, và cô giáo hiền, như yêu quê hương, cắp sách tới trường trong muôn vàn yêu thương…". Ở đó, con trẻ cảm được sự học qua đời sống thực. Những hạt giống ấy cần lắm hơi thở thật, không khí thật, cô thật và bạn thật như những duyên lành để kết nên những quả thơm.
Tôi thực sự mong mỏi các nhà quản lý sẽ có một cái nhìn minh định, khách quan, sẵn sàng thay đổi so với thông lệ hàng năm để trẻ em lớp 1 được trực tiếp đến trường.
Phụ huynh Xuân Hương - https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/lop-1-hoc-truc-tuyen-phu-huynh-ha-noi-de-xuat-lui-thoi-gian-nhap-hoc-20210823074317335.htm
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc