Bộ Giáo dục yêu cầu chấm dứt văn mẫu, giáo viên vui như "mở cờ trong bụng"

Thứ tư - 25/08/2021 22:12 311 0
GDVN- “Bộ Giáo dục muốn học sinh không học văn mẫu thì ra đề thi phải mở, đáp án phải mở, tôn trọng sự sáng tạo của học sinh”.
Bộ Giáo dục yêu cầu chấm dứt văn mẫu, giáo viên vui như "mở cờ trong bụng"

Thời gian vừa qua, khi nghe tin Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu năm học mới các trường phổ thông phải học thật, thi thật, riêng môn Ngữ văn phải chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, cô giáo Trần Thị Mai Hương (giáo viên dạy Ngữ văn trường Trung học cơ sở Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) vui mừng, như “mở cờ trong bụng".

“Từ trước tới nay, tôi luôn mong mỏi và khao khát có được sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấm dứt việc học theo văn mẫu”, nữ giáo viên dạy Ngữ văn 27 năm qua chia sẻ.

Cô giáo trải lòng, là giáo viên dạy môn Văn khối lớp 6 nên cô thường tiếp nhận các em học sinh từ khối 5 đi lên. Tuy nhiên, do các em học sinh thường được dạy theo kiểu văn mẫu khi còn ở cấp 1, nên khiến giáo viên rất vả trong việc đào tạo lại phương pháp học.

Cô Hương lấy ví dụ, các em học sinh khi học theo kiểu văn mẫu thường có cách viết na ná nhau, như khi các em tả mẹ thì mẹ bạn nào cũng mũi dọc dừa, mắt long lanh… dù học sinh viết hay nhưng câu văn không chân thật.

Nữ giáo viên này nhận định nguyên nhân dẫn đến việc học sinh học văn mẫu trên là do áp lực thi cử, phụ huynh thì thích con em được điểm cao và các con phải là học văn mẫu. Tiếp đó là từ giáo viên, bởi các cô giáo dạy tiểu học dạy tất cả các môn nên không chuyên sâu như giáo viên bộ môn bậc Trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, việc ra đề thi lại cứ theo barem, không hướng cái biểu điểm đánh giá vào năng lực học sinh, mà lại hướng về kiến thức.

“Điều này không tôn trọng sự sáng tạo của học sinh và biểu điểm khiến các em bị gò ép vào. Từ đây, dẫn đến việc học sinh nào không làm đúng biểu điểm thì sẽ bị điểm thấp. Điểm thấp thì phụ huynh không thích”, cô Hương cho hay.

Theo cô Hương, Bộ Giáo dục muốn học sinh không học văn mẫu thì phải ra đề thi mở, đáp án mở để tôn trọng sự sáng tạo của học sinh.

“Bộ có văn bản chỉ đạo tất cả các Sở, Phòng, trường yêu cầu ra đề và đáp án theo hướng mở, tôn trọng sự sáng tạo và cảm nhận riêng của học sinh. Ngữ liệu phải ở ngoài sách giáo khoa.

Đáp án biểu điểm chỉ nên dừng ở việc đánh giá xem nặng lực cảm thụ, năng lực giải quyết vấn đề cuộc sống ra sao. Bên cạnh đó, nên có những câu hỏi mang tính giáo dục phẩm chất học sinh, đặt ra những tình huống thực tiễn yêu cầu học sinh giải quyết”, cô Mai Hương cho hay.

Cô Mai Hương cho rằng, năm nay khối lớp 6 học sách giáo khoa mới, đây là thời điểm thích hợp để xóa bỏ văn mẫu. (Ảnh: NVCC)

Năm nay, Bộ Giáo dục triển khai dạy sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 6, cô Hương cho rằng Bộ nên có quy định khi ra đề thì ra ngữ liệu thầy cô chưa dạy học sinh, bởi các em đều đã học phương pháp làm bài của giáo viên, để không ai làm mẫu hay dạy mẫu được.

Cô Hương cũng cho rằng, trong giờ dạy của giáo viên, hãy để cho giáo viên được chủ động, tự do sáng tạo chứ không nên ép theo một khuôn mẫu giáo án. Thay vì kiểm tra giáo án hồ sơ của giáo viên thì có thể cho học sinh đánh giá về sự yêu thích môn học của thầy cô.

Đối với lớp cô Hương giảng dạy, cô luôn tìm cách khơi nguồn cảm hứng để các em tự viết và nếu các em chưa được tự tin thì cô sẽ khen, động viên, sau đó chỉ ra cái sai của các em, để chúng tự tin hơn. Cô cũng không bao giờ phê bình học sinh sai hay dốt.

“Học sinh bảo là con dốt lắm, tôi nói rằng không có ai dốt cả. Ngày xưa cô đi học cũng giống như các con, học dần rồi sẽ biết”, cô Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, lớp của cô Hương giảng dạy cũng luôn kết hợp việc "học" đi đôi với "hành".

Ví như bồi dưỡng lòng yêu cha mẹ và gia đình, rèn cách ứng xử hiếu thảo, cô Hương cho các con xem phim về câu chuyện " Mẹ điên" sau đó yêu cầu các con viết cảm nhận. Hoặc sau khi dạy một bài về giáo dục tình yêu gia đình, cô cho học sinh vượt qua thử thách bằng việc làm 10 công việc giúp đỡ gia đình rồi quay video sản phẩm để nộp cho cô.

Một bài kiểm tra viết tả về mẹ của học sinh Trần Quỳnh Trang học lớp 7A1 của cô Mai Hương, viết về mẹ dài hơn 3 trang, tràn ngập cảm xúc.

Cô cũng luôn nhắc nhở học sinh rằng, việc dùng văn mẫu sẽ biến học sinh thành cái máy photo, bởi vậy cô luôn khích lệ bạn nào viết bằng ngôn từ chân thật, giàu cảm xúc, còn bạn nào dùng văn mẫu thì cô sẽ trừ điểm thẳng tay.

Nữ giáo viên này ví dụ, khi dạy các em tả mẹ thì phải là mẹ của mình, các em phải tả từ cử chỉ hành động đến lời nói, kể cả ngoại hình của mẹ có già nua, nhăn nheo, mái tóc bạc vì nắng gió, trong mắt con thì mẹ vẫn là đẹp nhất. Nếu các bạn có chê bố mẹ, thì mình phải phân tích cho các em hiểu về sự vất vả của người làm cha mẹ, để các em thay đổi suy nghĩ và hành động.

Cùng quan điểm về vấn đề trên, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh - Viện Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên thuộc Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho hay, bà hoàn toàn ủng hộ việc bỏ dạy và học văn mẫu.

“Đây là một quan điểm đúng đắn và rất cần thiết trong thế kỷ 21 này. Có lẽ chúng ta đều biết về các kỹ năng cốt lõi của thế kỷ 21 với 4 chữ C là Communication (giao tiếp, truyền thông), Collaboration (hợp tác), Critical Thinking (tư duy phản biện) và Creativity (sáng tạo).

Việc chấm dứt học theo văn mẫu, học thật và thi thật, đặc biệt đối với môn Ngữ văn, chính là phương pháp để phát triển 4 chữ C này”, Tiến sỹ Phương Anh chia sẻ.

Tiến sỹ Phương Anh cho rằng, việc học văn mẫu sẽ khiến học sinh không thể đưa ra ý tưởng riêng của bản thân, mà chỉ biết mãi mãi lặp lại ý tưởng của người khác. Từ đây, học sinh sẽ không có được sự tư duy phản biện và không thể sáng tạo.

“Cách thi cử của chúng ta cũng không hề khuyến khích sự sáng tạo hoặc tư duy phản biện. Ai cũng biết cách chấm thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là dựa trên một thang điểm chi li đến từng chi tiết, từng ý tưởng, không khác gì một môn khoa học tự nhiên. Tôi cho rằng đây là lỗi của hệ thống”, Tiến sỹ Phương Anh chia sẻ.

Theo Tiến sỹ Phương Anh, việc học theo bài mẫu (không chỉ với môn Văn) là một thói quen - thậm chí là một truyền thống - không chỉ ở Việt Nam mà còn của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật, Hàn, thể hiện rõ nhất qua quan điểm "Quân, Sư, Phụ", trong đó Thầy còn được xem là cao hơn cha. Vì vậy, để thay đổi nó là không dễ và đòi hỏi phải kiên trì qua nhiều thời gian.

Để giải quyết thực trạng trên, Tiến sỹ Phương Anh cho rằng cần làm đồng bộ những giải pháp sau: “Thay đổi quan điểm và phương pháp đào tạo giáo viên, trong đó đặc biệt khuyến khích tư duy phản biện và tính sáng tạo. Nếu giáo viên không thay đổi thì chắc chắn là không thể thay đổi hệ thống.

Áp dụng các phương pháp mới, tiên tiến trong giáo dục mầm non, theo quan điểm tôn trọng trẻ em, phát triển tính sáng tạo và sự khác biệt. Những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện điều này và đặc biệt là ở khối tư nhân.

Thay đổi cách ra đề thi, chấm thi, đặc biệt là môn Văn, trong đó đặc biệt khuyến khích những ý tưởng sáng tạo và tư duy phản biện. Và cuối cùng, việc thay đổi này không chỉ là vấn đề của giáo dục mà còn là vấn đề văn hóa, nên cần có sự hợp tác của tất cả mọi người, từ gia đình, đến truyền thông báo chí, và cả văn hóa trong cơ quan, đơn vị công tác nữa”.

Mạnh Đoàn

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập159
  • Hôm nay15,853
  • Tháng hiện tại282,626
  • Tổng lượt truy cập13,755,738
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây