Các địa phương trên cả nước đang tiến hành việc chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp theo chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, vì thế có tình trạng trăm hoa đua nở, mỗi trường, mỗi phòng, mỗi sở làm mỗi kiểu, điều này đã gây ra nhiều bức xúc cho giáo viên.
Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB Bộ Giáo dục và Đào tạo phúc đáp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT được giáo viên coi như “luồng gió mát”.
Giáo viên lo lắng nhất, chính là nhiệm vụ đang làm khi chuyển xếp hạng, nếu không được phân công nhiệm vụ trong tiêu chuẩn quy định… sẽ bị xuống hạng, hoặc không thể lên hạng.
Ví dụ nhiệm vụ của giáo viên hạng II, trung học cơ sở:
a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;
b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên;
c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên;
đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có).
Những nhiệm vụ trên chủ yếu thuộc vị trí tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, hiệu phó; nếu không thuộc vị trí tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, hiệu phó rất dễ bị xuống hạng III khi đang giữ hạng II.
Ảnh chụp Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB do giáo viên cung cấp. |
Cứ theo hướng dẫn Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB hiệu trưởng sẽ nắm "quyền sinh quyền sát" trong việc đề bạt giữ hạng, xuống hạng giáo viên
Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB phúc đáp về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc ghi rõ:
Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các Thông tư 01; 02; 03; 04/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).
Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình.
Theo quan điểm của cá nhân người viết, Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB sẽ giúp cho hiệu trưởng thả sức "vận dụng", vì nội dung Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB không có bất cứ ràng buộc nào về chuyện giáo viên như thế nào sẽ được giao nhiệm vụ hạng II, nên người thực hiện (hiệu trưởng) "vận dụng" kiểu gì cũng được.
Nếu hiệu trưởng thích một giáo viên A., dễ dàng đề xuất giữ hay thăng hạng cho A. dù người đó không có năng lực nổi trội trong mắt của giáo viên khác; hiệu trưởng có quyền "vận dụng", sau này sẽ giao nhiệm vụ hạng II cho giáo viên A; do “sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sơ giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình” là ở… thì tương lai.
Còn chuyện giáo viên có thực hiện tốt hay không, hay không thực hiện được, ai phải chịu trách nhiệm?
Ngược lại, giáo viên B. đang ở hạng II, nhưng không được lòng hiệu trưởng, hiệu trưởng có quyền "vận dụng" không có kế hoạch giao nhiệm vụ giáo viên hạng II cho giáo viên B, nên không đề xuất giữ hạng II cho B., mà xếp xuống hạng III, hoàn toàn… hợp lý; giáo viên B. chỉ có “tâm không phục” nhưng “khẩu phải phục”.
Công văn 1099 Cục NG đang phủ định nguyên tắc thực hiện các thông tư xếp hạng? |
Thực tế hiện nay, ở một số cơ sở giáo dục “Hiệu trưởng - những “ông vua con”?”[1] “Kỷ luật “ngọt ngào” thế này thì hiệu trưởng mãi là vua con!”; “Bộ trưởng Bộ GDĐT có biết hiệu trưởng hiện nay là những “ông vua con”?”[3]…
Việc quyết định xếp hạng giáo viên ở tiêu chuẩn nhiệm vụ hoàn toàn nằm trong tay hiệu trưởng. Như vậy, vô hình trung Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB đang “củng cố” vị trí “vua con” cho những hiệu trưởng lạm quyền, không trong sáng.
Vì vậy, người viết đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có công văn hướng dẫn chi tiết, minh bạch, không tạo điều kiện cho người khác suy diễn khi thực hiện chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, theo chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.
Tốt nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo dừng thực hiện chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT hiện nay; nhanh chóng sửa đổi chùm thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sau khi Bộ Nội vụ đã có Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://dantri.com.vn/ban-doc/hieu-truong-nhung-ong-vua-con-1205354633.htm
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ky-luat-ngot-ngao-the-nay-thi-hieu-truong-mai-la-vua-con-post211323.gd
[1]https://laodong.vn/dien-dan/bo-truong-bo-gddt-co-biet-hieu-truong-hien-nay-la-nhung-ong-vua-con-510502.ldo
- Thông tư 01; 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT
- Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.
- Công văn số 1099/NGCBQLGD-CSNGCB.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Lê Mai
Nguồn tin: giaoduc.net.vn
Ý kiến bạn đọc