Loạt xe ô tô công thanh lý với giá siêu rẻ, có xe chỉ hơn 7 triệu đồng
Tại tháng 8, các mẫu xe được các cơ quan Nhà nước đem ra thanh lý thuộc nhiều thương hiệu khác nhau, có thời gian sử dụng hàng chục năm. Thậm chí, có những mẫu xe đã cũ, hỏng và giá trị còn lại theo sổ sách kế toán là 0 đồng.
Theo đó, có nhiều xe công có BKS tại các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Phòng,… cũng được ủy quyền để đấu giá với nhiều mức giá khác nhau. Trong đó, có mẫu ô tô được đấu giá với giá siêu rẻ, chỉ hơn 7,6 triệu đồng. Đó là chiếc xe ô tô tải đã qua sử dụng, nhãn hiệu hiệu Suzuki; biển số: 43E-0654; số khung: DA21VVN100409; số máy: F10A1048456 của Phòng Văn hoá Thông tin quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Chiếc xe sản xuất 1997 và có niên hạn sử dụng tới năm 2022. Giá khởi điểm tài sản được Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành phố Đà Nẵng đưa ra là 7,696 triệu đồng, giá bán tài sản không có VAT.
Trước đó, trong tháng 7, hàng loạt các xe ô tô công cũng được các cơ quan Nhà nước tiến hành thanh lý với giá siêu rẻ.
Hàng điện máy giảm giá đến 82%
Nếu như trước đây, hàng điện máy chỉ giảm giá theo các chương trình khuyến mại vài đợt/năm thì hơn 1 năm trở lại đây, chương trình giảm giá diễn ra liên tục cả năm, có nơi còn treo biển giảm giá đến hơn 80% để đẩy hàng tồn.
Trong đó, mặt hàng giảm giá sâu nhất là tivi. Đơn cử chiếc Smart Tivi QLED 4k 75 inch với thiết kế tràn viền, độ sáng màn hình lên tới 2000 nits, gấp từ 2-2,5 lần các tivi thông thường có giá niêm yết là 199 triệu đồng, nay giảm 82%, chỉ còn 34,9 triệu đồng…
Tương tự, với mặt hàng máy giặt, một số siêu thị cũng đang giảm giá lên đến 70% các sản phẩm từ máy giặt lồng đứng đến máy giặt lồng ngang. Có sản phẩm giá bán chỉ còn hơn 2 triệu đồng/chiếc.
Không chỉ giảm giá tivi, máy giặt, các sản phẩm khác như điều hòa, tủ lạnh hay máy lọc nước, đồng hồ, đồ gia dụng cũng được các hệ thống siêu thị điện máy giảm giá từ 5-50%. Tuy nhiên, doanh số bán hàng hầu như không được cải thiện.
Anh Khánh, quản lý siêu thị điện máy tại Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết do ảnh hưởng của Covid-19, hầu khắp các cửa hàng tại các thành phố đều phải đóng cửa thực hiện lệnh giãn cách đã khiến lượng hàng tồn kho tăng cao. Dù giảm giá sâu nhưng theo anh Khánh, dịch bệnh đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn nên doanh số bán hàng vẫn không được cải thiện.
Chôm chôm rớt giá còn 1.000 đồng/kg
Do ảnh hưởng của Covid-19, chôm chôm đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Nhiều chủ vườn còn để rụng vì giá bán chỉ 1.000 – 2.000 đồng/kg, tiền bán không đủ bù tiền thuê nhân công.
Ông Lương Ngọc Thạch, Trưởng phòng Kinh tế TP. Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, thời điểm trước tháng 7, tình hình mua bán vẫn diễn ra bình thường với giá cao. Từ tuần đầu tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều tỉnh đã áp dụng quy định giãn cách xã hội nên việc vận chuyển và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các loại trái cây đều bị rớt giá.
Cụ thể đối với mặt hàng chôm chôm, ông Thạch cho biết có đợt giảm chỉ còn 6.000 đồng/kg chôm chôm Thái, 1.000-1.500 đồng/kg đối với chôm chôm giống cũ. Với giá đó thì nhiều hộ dân không thu bán, để rụng vì không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch.
Trước tình hình đó, Phòng Kinh tế và UBND TP. Long Khánh cũng có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh nhằm hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm chôm chôm trên địa bàn, đưa các loại trái cây vào các khu cách ly để giúp bà con tiêu thụ chôm chôm và các loại trái cây khác.
Gà ri “siêu rẻ” chưa đầy 70 nghìn/con
Không khó để bắt gặp các bài rao bán gà ri giá rẻ như thế này trên các chợ online. (Ảnh chụp màn hình).
Mỗi con gà ri làm sạch sẽ, trả đủ lòng mề, nặng từ 0,9-1,1kg đang được rao bán khắp chợ mạng với giá chỉ từ 69.000 đồng, combo 3 con chỉ 200.000 đồng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Trao đổi với PV, chị Cao Thị Hiên, một đầu mối chuyên bán gà tại Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, đây không phải là gà thải loại hay gà đông lạnh nhập khẩu mà là gà ri lai hay còn gọi là gà thả lẩu, gà Mạnh Hoạch, được các công ty nuôi số lượng lớn theo hướng công nghiệp.
“Gà này chủ yếu trước đây phục vụ quán lẩu, quán gà nướng lu, gà rán… Gà nhỏ nên vừa đĩa. Tuy nhiên, đợt này nhà hàng, quán ăn đóng cửa nên tiêu thụ chậm. Mọi người nhập về bán online phục vụ nhu cầu khách hàng”, chị Hiên nói.
Theo chị Hiên, gà nuôi công nghiệp thời gian nuôi chỉ khoảng 3 tháng là xuất chuồng, nuôi số lượng lớn nên có giá rẻ. Gà ri nuôi thả vườn thì đắt gấp 2 lần bởi phải 4-5 tháng mới có thể bán được. Tùy vào quy trình nuôi mà chất lượng thịt và giá cả khác nhau.
Giữa bão dịch, giá thực phẩm đều rớt “thảm”
Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo về tình hình sản xuất các tỉnh phía Nam trong bối cảnh giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19.
Theo Tổ công tác, 13 tỉnh đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra. Thời gian qua, khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, về ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương dù đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Cụ thể, giá tôm liên tiếp giảm, giá cá tra thương phẩm và giống xuống chỉ còn 21.000-23.000đ/kg. Nếu kéo dài, nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm lộ rõ do không kích thích được tái sản xuất.
Ngoài ra, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và các loại quả như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa… cũng giảm giá.
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử 24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc