Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 17-7 đã đồng ý bổ sung 16 tỉnh thành khác sẽ thực hiện chỉ thị 16 để phòng, chống dịch (ngoài TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện - xem đồ họa).
Thực hiện nghiêm, không để "chặt ngoài, lỏng trong"
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ thị 16, đồng thời lưu ý:
- Kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong"; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người theo quy định.
- Quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
- Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thừa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.
- Căn cứ kết quả thực hiện chỉ thị 16 trên từng địa bàn, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và điều chỉnh các giải pháp thực hiện cho hiệu quả, phù hợp với tình hình.
Từ 0h ngày 19-7 áp dụng chỉ thị 16 trên 19 tỉnh, thành phía Nam gồm cả TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã triển khai trước đó - Đồ họa: N.KH.
Ba ưu tiên khi giãn cách xã hội
Tại cuộc họp với một số bộ, ngành vào chiều 17-7, ở trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - cho biết hơn một năm qua, toàn thể nhân dân, hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19.
Chúng ta đã đạt được những thành tựu trong đợt dịch lần trước. Trong đợt chống dịch lần này, chúng ta đã dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng tình hình dịch bệnh ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đang diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm tăng rất nhanh. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Trước tình hình đó, Phó thủ tướng yêu cầu:
- Ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
- Phải đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc COVID-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác.
- Do chưa có đủ vắc xin phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng cho nên phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Phó thủ tướng nhấn mạnh việc áp dụng chỉ thị 16 sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của chỉ thị này.
Cụ thể, Phó thủ tướng lưu ý phải rất rõ ràng từng cấp, ngành, bộ phận, từng người và đến từng ngày phải có kế hoạch, phải có những việc cần làm cụ thể. Chính quyền có trách nhiệm làm gì, người dân có nghĩa vụ thế nào, phải rõ ràng, minh bạch để người dân cùng tham gia và cùng giám sát.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị phải thực sự chú ý chăm lo đến đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người bị ảnh hưởng, người không có thu nhập hay tích lũy. Chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống và phát động nhân dân cùng chăm lo, cùng giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau.
Nhấn mạnh việc nỗ lực duy trì sản xuất an toàn trong thực hiện giãn cách xã hội, Phó thủ tướng nêu rõ các ngành, các cấp cùng vào cuộc đồng bộ, thông suốt trong cả nước.
Công ty TNHH Daikan Việt Nam (TP Biên Hòa) bố trí nơi ở cho người lao động ở lại công ty sản xuất- Ảnh: CÔNG ĐOÀN
Mong người dân chia sẻ và thực hiện nghiêm
Theo quyết định thực hiện chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam, trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chủng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và còn nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo; với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
Việc thực hiện chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước.
Các bộ phải chủ động giúp các địa phương
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế; bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng.
Không cần việc gì cũng hội ý
Làm việc với UBND quận 12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị bí thư Quận ủy Trần Hoàng Danh phân công lãnh đạo quận 12 mỗi người phụ trách một tổ chuyên biệt (tổ chỉ đạo xét nghiệm, cách ly, tiêm vắc xin, cung ứng hàng hóa, an ninh - an toàn, tuyên truyền...). Không để một lãnh đạo kiêm nhiệm quá nhiều việc, dẫn đến lẫn lộn các nhiệm vụ.
"Nói tới xét nghiệm, không thể gọi HCDC mà phải liên hệ ông Lê Minh Châu. Nói tới cách ly phải gọi ông Nguyễn Hữu Hiệp, nói đến cung ứng hàng hóa phải gọi cho chị Phan Thị Thắng (những lãnh đạo được phân công phụ trách mảng chống dịch - PV). Phải xác định trách nhiệm, mỗi người một mảng.
Cấp quận huyện cần gì cứ trực tiếp liên hệ người phụ trách, tôi đã giao quyền cho người đó, có vấn đề gì báo cáo sau. Chúng ta đang trong chiến dịch, không cần việc gì cũng phải hội ý" - ông Phong nhấn mạnh.
ĐAN THUẦN
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Không để "chặt ngoài, lỏng trong"
Các tình nguyện viên đi siêu thị mua hàng giúp người dân - Ảnh: NG. HIỀN
Trong bối cảnh Thủ tướng chỉ đạo không để "chặt ngoài, lỏng trong", các tổ dân phố, khu phố, tổ COVID-19 cộng đồng cần phát huy cao vai trò của mình bằng việc các tổ này có thể tổ chức đứng ra đặt hàng với các siêu thị, hệ thống phân phối hàng hóa để có thể mua hàng về phân phối lại cho người dân từng tổ dân phố, khu phố.
Việc này nhằm hạn chế tối đa việc người dân ra ngoài, tiếp xúc với nhau, tập trung đông người. Ngoài ra, các cơ quan chức năng có thể tổ chức các xe bán hàng lưu động, huy động đội ngũ đi chợ giúp dân. Các tổ này cũng cần có số điện thoại nóng để tiếp nhận thông tin báo về của người dân, từ đó phát hiện sớm người vi phạm để kịp thời chấn chỉnh.
Mặt khác, bên trong từng tổ dân phố, khu phố phải tổ chức lực lượng công an khu vực, tăng cường thêm bác sĩ khu vực tạo thành một vòng tròn khép kín hoạt động phục vụ người dân. Như vậy mới đảm bảo cách ly khu phố với khu phố, xã với xã, nhà với nhà...
Điều quan trọng nữa, đã gọi là cách ly thì không thể tập trung đông người trong một phòng được. Cho nên trong từng khu cách ly tập trung phải tách biệt người bị cách ly ra, hạn chế số người trong một phòng.
Đồng thời cần nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, phân loại những người đủ điều kiện để nhanh chóng cho họ về nhà tự cách ly tại nhà theo chủ trương vừa mới được thông qua, giảm áp lực cho cơ sở cách ly cũng như nguy cơ lây nhiễm chéo. Tại các điểm phong tỏa phải lấy mẫu nhanh để truy vết, nếu thấy an toàn thì nhanh chóng giải phóng khu phong tỏa.
TIẾN LONG ghi
Miền Tây chuẩn bị ra sao?
Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống COVID-19 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Được "bổ sung" vào diện thực hiện chỉ thị 16 cùng với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây sẽ làm gì trong "thời gian vàng" này để vừa dập dịch vừa đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa?
Tuổi Trẻ đã ghi nhận giải pháp nhanh từ các tỉnh trong chiều qua (17-7).
Tỉnh Sóc Trăng: không lo đứt nguồn hàng
Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở Sóc Trăng thời gian qua đều trở về từ vùng dịch.
Vì vậy khi liên vùng đồng loạt thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, việc đi lại bị hạn chế nên kiểm soát người ra vào tỉnh thuận lợi, giúp các ngành chức năng có thời gian dồn sức vào việc truy vết, khoanh vùng cách ly, dập dịch hiệu quả hơn.
Sóc Trăng đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp nghi ngờ, không để bỏ sót đối tượng. Ngoài việc đảm bảo phòng chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ", Sóc Trăng sẽ tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin và ổn định sản xuất.
Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng hóa và tổ chức các kênh phân phối hàng hóa, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất; trong đó thực hiện "3 tại chỗ" đối với doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Trong - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Sóc Trăng - cho biết đến nay đã có 7 doanh nghiệp trong KCN An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) đăng ký tổ chức sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ".
Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết việc tổ chức cho gần 4.000 công nhân ở lại, ăn ngủ qua đêm không hề đơn giản. Quỹ thời gian ngắn, nhưng may công ty luôn ở tâm thế sẵn sàng, nên mọi việc cơ bản đã chuẩn bị xong.
Ông Lực cho biết trong hôm nay (18-7), những công nhân tình nguyện đi làm, ở lại công ty nhiều ngày sẽ được xét nghiệm. Những công nhân đủ điều kiện sẽ ở lại làm việc.
"Công ty tạo nhiều điều kiện tốt nhất có thể, có chính sách hỗ trợ thêm, nhưng công nhân sẽ không được thoải mái như ở nhà. Chúng tôi hy vọng người lao động chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn", ông Lực động viên.
An Giang: hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân
UBND tỉnh An Giang đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung quản lý chặt và tổ chức xét nghiệm sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 ngoài cộng đồng như người từ các tỉnh khác trở về, các tiểu thương chợ truyền thống, nhân viên siêu thị...; phân loại đối tượng nguy cơ mắc COVID-19, phân tầng trong lấy mẫu xét nghiệm để ưu tiên xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ, có kết quả sớm nhất phục vụ việc truy vết nhanh, khoanh vùng, dập dịch triệt để.
"Tôi khẳng định trong thời gian này tỉnh An Giang tập trung tối đa nguồn lực khoanh vùng, dập dịch COVID-19 và đảm bảo hàng hóa thông suốt", ông Lê Văn Phước (phó chủ tịch UBND tỉnh) nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sĩ Lâm - giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - cho biết đơn vị vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh An Giang về "tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang trong giai đoạn dịch COVID-19".
An Giang sẽ phối hợp với các ngành và các địa phương tập trung hỗ trợ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất trên địa bàn và kết nối tiêu thụ với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước, trong đó điều kiện hiện nay tập trung thị trường nội địa là chủ yếu. Các loại nông sản tập trung thực hiện trong kế hoạch bao gồm: lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái.
"Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ, thường xuyên trao đổi, vận động xúc tiến, mời gọi các chợ đầu mối toàn quốc, các đối tác tiêu thụ lớn như hệ thống siêu thị (Co.opmart, VinMart, Bách Hóa Xanh, Mega Market Vietnam, Tứ Sơn, Satra...), trung tâm thương mại, các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đến tỉnh khảo sát, liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho nông dân" - ông Lâm thông tin.
Hiện nay, UBND tỉnh An Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ tiếp cận địa bàn để triển khai thực hiện "Phương án thu hoạch, thu mua và vận chuyển lúa trên địa bàn tỉnh An Giang vụ hè thu 2021" với sản lượng thu mua 250.000 đến 300.000 tấn.
Đối với các sản phẩm nông sản khác như rau màu, cây ăn trái và nếp (huyện Phú Tân) thì các địa phương đã có kế hoạch, phương án tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp, mời gọi thương lái vào địa bàn thu mua, đảm bảo thu hoạch và tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn.
"Tập đoàn Lộc Trời cho biết sẽ hỗ trợ tỉnh An Giang tối đa trong việc giúp dân tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo, để nông dân an tâm. Còn hàng hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Sở GTVT để đảm bảo lưu thông liên tục trong quá trình thực hiện chỉ thị 16" - ông Lâm nói thêm.
Bến Tre: sản xuất "4 tại chỗ"
Bến Tre là địa phương có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng khá trễ (ngày 4-7) nhưng đến nay đã bùng phát tại nhiều huyện, thành phố với số ca mắc tính đến ngày 17-7 là 164 trường hợp. Trước đó, tỉnh Bến Tre đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ đối với 2 huyện và TP Bến Tre giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Trong cuộc họp giữa Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre với các huyện, thành phố trên toàn tỉnh ngày 17-7, bà Nguyễn Thị Bé Mười - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - đề nghị các địa phương rà soát lại các chợ dân sinh, tăng cường kiểm tra xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Tăng cường tuyên truyền, cần thiết bố trí loa phát thanh tại các khu vực chợ.
Tỉnh này cũng vừa yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi không đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, các doanh nghiệp còn lại, nếu sử dụng lao động trên 10 người, phải khẩn trương xây dựng phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" theo phương châm "4 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ - phòng chống dịch tại chỗ).
Các doanh nghiệp sử dụng lao động dưới 10 người tạm thời chưa thực hiện "4 tại chỗ" nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch cho người lao động theo đúng quy định.
https://tuoitre.vn/ca-phia-nam-dong-long-chong-dich-20210718082217598.htm
Nguồn tin: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc