Lí do biến thể gây lo ngại
WHO tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ B.1.1.529, dù cho đến nay mới chưa đầy 100 trường hợp được nhận diện mắc biến thể này ở Nam Phi, Hong Kong (Trung Quốc) và Botswana.
Nguyên nhân chính khiến các chuyên gia y tế lo ngại là biến thể chứa lượng lớn đột biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ tác động đến cách thức hoạt động cũng như khả năng giúp virus "qua mặt" hệ miễn dịch trong cơ thể người và dễ lây lan hơn.
Bất cứ biến thể mới nào có khả năng né tránh vắc xin và phát tán nhanh hơn biến thể Delta đang thống trị toàn cầu hiện nay đều có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến cuộc chiến chống đại dịch của thế giới.
Nguồn gốc biến thể
Kết quả ban đầu từ các phòng thí nghiệm cho thấy, biến thể mới đã gia tăng nhanh chóng ở tỉnh Gauteng của Nam Phi và có thể đã tấn công 8 tỉnh khác của đất nước. Các nhà khoa học tin, tới 90% số ca mắc mới ở Gauteng có thể là B.1.1.529.
Tính đến hiện tại, thế giới ghi nhận 77 ca mắc B.1.1.529 ở Gauteng; 4 ca ở Botswana và một ca ở Hong Kong là du khách đến từ Nam Phi.
Khác biệt so với các biến thể đã biết
Các nhà khoa học cấp cao mô tả B.1.1.529 là biến thể "tồi tệ nhất" họ từng gặp kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tại một cuộc họp báo ngày 25/11, tiến sĩ Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và ứng phó dịch tễ Nam Phi cho biết, B.1.1.529 sở hữu "một chùm đột biến bất thường" và "rất khác" so với những biến thể được nhận diện trước đây.
Theo ông Oliveira, B.1.1.529 có tổng cộng 50 đột biến, bao gồm 32 đột biến nằm ở protein gai, công cụ chính để virus mở cánh cửa xâm nhập vào các tế bào trong cơ thể người và cũng là mục tiêu vô hiệu hóa của hầu hết các loại vắc xin ngừa Covid-19 đang lưu hành.
Số đột biến ở protein gai của B.1.1.529 gấp đôi của biến thể Delta. Chỉ tính riêng tại miền liên kết thụ thể (phần ở protein gai giúp virus bám vào tế bào người trước tiên) của biến thể mới đã có tới 10 đột biến, trong khi con số này ở Delta chỉ là 2.
Mức độ nguy hiểm của biến thể mới
Do B.1.1.529 mới xuất hiện nên có thể mất một thời gian nữa, giới khoa học mới có bằng chứng và câu trả lời chính xác về mức độ nguy hiểm của biến thể. Họ lưu ý, sở hữu nhiều đột biến không hoàn toàn đồng nghĩa biến thể nguy hiểm hơn.
Đã có một số ví dụ về các biến thể có vẻ đáng sợ về mặt lý thuyết, nhưng thực tế không "tác oai, tác quái" như dự đoán. Beta từng là mối quan ngại hàng đầu vào đầu năm nay vì biến thể được tin sở hữu những đặc tính giúp né tránh hệ miễn dịch của người tốt nhất. Tuy nhiên, biến thể Delta rốt cuộc lây lan nhanh hơn đã hoành hành khắp thế giới.
Mối quan tâm hiện nay của các chuyên gia là những đột biến ở B.1.1.529 đang ảnh hưởng như thế nào đến cách thức hoạt động và mức độ nguy hiểm của virus. Ngoài một số đột biến cũng được tìm thấy ở các biến thể trước đây, phần còn lại hoàn toàn khác, đặc biệt so với phiên bản virus được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Điều này gây lo ngại rằng, các vắc xin, vốn được phát triển dựa vào các đặc điểm di truyền của chủng gốc, có thể vô tác dụng trước B.1.1.529.
Các nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm sẽ đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn, nhưng câu trả lời sẽ đến nhanh hơn nhờ việc theo dõi virus trong thế giới thực.
Tuấn Anh - https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/bien-the-virus-corona-khien-who-hop-khan-nguy-hiem-the-nao-796360.html
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc