Tôi không biến học sinh thành những cỗ máy giải Toán

Thứ bảy - 30/04/2022 21:35 250 0
'Kiểm tra bài cũ, giảng bài mới theo kiểu thầy nói trò chép, tổng kết, giao bài tập', công thức lên lớp đó khiến học sinh của tôi chán nản.
Tôi không biến học sinh thành những cỗ máy giải Toán

Ở đại học, chúng tôi học chuyên ngành Toán học, bởi vậy nên chúng tôi thường xuyên phải giải những bài toán khó, thậm chí là rất khó. Có hôm, chúng tôi được một vị giáo sư Toán học nổi tiếng là giảng viên một môn học yêu cầu giải một bài toán thuộc dạng rất khó. Khi ra đề xong, giáo sư nói: "Các anh chị giải đi, bài này người ta đã giải được cách đây mấy trăm năm rồi đấy".

"Bài toán từ mấy thế kỷ mà bây giờ vẫn thấy khó vậy sao? Rồi bao nhiêu thành tựu về khoa học, văn hóa, nghệ thuật của thế giới mà chúng ta đang được tận hưởng như điện thoại, máy tính, internet hay những tác phẩm văn học nổi tiếng... đều xuất phát từ những quốc gia khác chứ không phải xuất phát từ đất nước mình. Hóa ra mình chỉ thường là người tiếp nhận tri thức chứ không phải là người tạo ra tri thức", tôi chợt nghĩ vậy.

Mang những suy nghĩ này nên tôi hay quan tâm đến "giáo dục khai phóng". Theo nhiều chuyên gia thì mô hình này là trang bị cho người học năng lực thích ứng với thay đổi trong môi trường công việc và xã hội nhờ phông nền kiến thức rộng và những kỹ năng sống còn như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Khi đi dạy học, tôi được biết việc thúc đẩy tính tích cực trong học tập của học sinh luôn là việc mà ngành giáo dục chú trọng. Trong giáo dục hiện đại, ngành Giáo dục luôn mong muốn có những tiết học mà người giáo viên chỉ đóng vai trò điều hành, giữ nhịp; còn các em học sinh mới là người chủ động tìm tòi, phát hiện... Nhưng từ trước nay, giờ lên lớp của chúng tôi thường theo một công thức sẵn có: kiểm tra bài cũ, giảng bài mới theo kiểu thầy giảng trò chép, tổng kết bài học, rồi giao bài tập cho học sinh.

Tuy nhiên, do được học hỏi nhiều và tự tìm hiểu, nên tôi đã nhận thấy rằng cách giảng dạy như vậy chứa nhiều bất cập: lớp học có thể trật tự, nhưng hiệu quả không cao, cách giải thường chỉ do thầy cô giáo làm mẫu, học sinh bắt chước chứ không hiểu sâu bài học...

>> 12 năm học Toán, Lý, Hóa cũng chỉ để quên

Được lãnh đạo nhà trường khuyến khích, tôi cùng nhiều giáo viên trong trường cố gắng thay đổi từng bước. Ngoài việc khơi gợi niềm yêu thích, đam mê, tôi luôn tuyệt đối tôn trọng mỗi học sinh của mình. Với tôi, từ mẫu giáo đến lớp 12, học sinh luôn là chủ thể có suy nghĩ, chính kiến..., dù đúng dù sai các em vẫn cần được tự làm việc mà mình thấy đúng, tuyệt đối không phải nhận những lời trách mắng từ phía giáo viên.

Tôi được biết nhiều nền giáo dục tiên tiến coi trọng việc đặt câu hỏi hơn việc trả lời câu hỏi. Bởi vậy, với tôi, các em được quyền đặt mọi câu hỏi, không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn. Trong một chương trình trên truyền hình cách đây mấy năm, có kể về trường hợp một học sinh Israel bày tỏ mong muốn bay lên mặt trăng và được thầy giáo khuyến khích. Tôi cũng có những học sinh với mong muốn như vậy và luôn khuyến khích em thực hiện giấc mơ của mình.

Ngoài ra, phương châm chủ đạo của tôi là luôn để các em được làm chính mình, coi học sinh là trung tâm. Ít khi tôi dùng từ "dạy" với các em, mà tôi hay dùng từ "thảo luận, tranh luận" – thảo luận về một vấn đề, tranh luận về một bài toán... Trong giờ học hay đời thường, tôi không bao giờ áp đặt chính kiến của mình, ít khi yêu cầu các em "phải làm thế này" mà luôn quan niệm "nên làm như thế này". Nếu ý kiến của các em đúng, tôi sẵn sàng nghe theo.

Để giờ học đạt kết quả cao, tôi thường giới thiệu qua bài học mới để học sinh về nhà tự tìm hiểu, nghiên cứu trước khi lên lớp. Khi các em đã tìm hiểu trước, khi đến lớp, học sinh sẽ sôi nổi thảo luận về bài học, dễ hiểu bài hơn. Giờ học của tôi bây giờ không còn thụ động một chiều nữa mà thường thực sự sôi động. Nếu giáo dục khai phóng rèn cho con người tính phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, sự sáng tạo, thì những điều này thường được thể hiện rõ ở mỗi giờ lên lớp của tôi.

>> Để Toán, Lý, Hóa không 'cướp đi thanh xuân' của học sinh Việt

Với cách dạy mới, học sinh được quyền hỏi bất cứ điều gì, đưa ra bất kỳ cách giải nào, nhiều khi tôi còn rất bất ngờ, thậm chí là bối rối trước các cách giải mới mẻ, độc đáo của các em. Tôi thực sự là chỉ là người điều phối, giữ nhịp cho tiết học, quyền chủ động hoàn toàn thuộc về các em, điều đó có nghĩa là, tính chủ động của học sinh đã được phát huy tối đa. Buổi học thường có kết quả cao là điều hiển nhiên.

Tôi thường được phân công dạy lớp chuyên, lớp chọn Toán, học sinh là các em rất thông minh, có những em phải nói là cực kỳ thông minh. Thú thực, có nhiều bài toán tôi không giải ngay được nhưng các em học sinh lại giải được trước. Tôi có thể là người thầy không giải được nhiều bài toán khó, nhưng trong quá trình dạy học, tôi luôn cố gắng khơi gợi để các em có thể tự giải được chúng.

"Khi rời ghế nhà trường, chúng ta thường không nhớ đến những thầy cô đã giải cho ta bài toán khó, mà chỉ nhớ đến những người biết khơi gợi cho ta tự giải được chúng", nhà báo Thomas Friedman đã viết như vậy trong cuốn Thế giới phẳng.

Để mỗi tiết học thực sự khai phóng, đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ cao để có thể giải đáp được các ý tưởng, thắc mắc của các em học sinh, hoặc có thể khơi gợi để các em có thể tự giải quyết những thắc mắc này. Đồng thời, người giáo viên phải có tâm hồn rộng mở để bỏ qua suy nghĩ: "người thầy là chân lý tuyệt đối", để có thể chấp nhận mọi suy nghĩ, ý tưởng dù có là khác biệt của các em.

>> Học Toán, Lý, Hóa không phải để tìm đáp số

Trong khi đợi ngành giáo dục có những điều chỉnh toàn diện, hướng tới nền giáo dục khai phóng, tôi cho rằng, mỗi gia đình cũng nên chủ động cho con em mình. Việc thực hiện giáo dục khai phóng trong gia đình nghe có thể to tát, xa xôi, nhưng thực chất chỉ đơn giản là: tôn trọng con em mình, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các con có thể làm những điều mình thích; không chỉ trích hay cấm đoán một cách cực đoan. Nhiều người dù không được đến trường, chỉ nhờ tự học nhưng vẫn thành công, đó là minh chứng rõ nét cho việc giáo dục khai phóng tại gia đình.

Để phát huy hết tiềm năng của con người, để con người có thể trở thành "người mình có thể là". Cũng theo tác giả cuốn Thế giới phẳng: "Chiến lược trước kia của các quốc gia là phát triển quốc gia hùng mạnh, ngày nay là tạo mọi điều kiện để mỗi cá nhân có thể trở nên hùng mạnh. Mỗi cá nhân hùng mạnh thì quốc gia sẽ hùng mạnh".

Có người nói "No fantasy, no art" (không có sự tưởng tượng thì không có nghệ thuật), cũng có thể suy rộng ra rằng: "không có sự khai phóng để tự do tưởng tượng, tìm tòi khám phá thì không thể có thành tựu". Ở phương Tây, người ta có câu "reinvent the wheel" (tái sáng chế cái bánh xe), hàm ý nói "mất thì giờ, tiền bạc và công sức để làm ra cái mà người khác đã sáng chế và đã hoàn thiện".

Một người bạn đại học với tôi có dịp qua Quảng trường Thời đại của Mỹ. Tại đây, bạn tôi có suy nghĩ đau xót là: "chúng ta chỉ có thể đi bên cạnh họ chứ không thể sánh vai được với họ". Giaó dục khai phóng là để góp phần tạo ra tri thức, chứ không đơn thuần là tiếp nhận tri thức. Đó chính là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta có thể sánh vai được với các cường quốc năm châu.

Anh Phạm
Tôi không biến học sinh thành những cỗ máy giải Toán (vnexpress.net)

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập117
  • Hôm nay14,239
  • Tháng hiện tại48,733
  • Tổng lượt truy cập13,948,643
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây