Mục tiêu “kép” trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Thứ năm - 27/05/2021 04:15 240 0
GD&TĐ - Mục tiêu kép: chất lượng, an toàn - là nội dung được lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt nhấn mạnh trong Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, tổ chức sáng nay 27/5.
Mục tiêu “kép” trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021.

7 nội dung cần lưu ý

Thay mặt Lãnh đạo Bộ  Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương trong triển khai chuẩn bị công tác tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT). Tinh thần chủ động, sẵn sàng cho Kỳ thi cũng được thể hiện rõ qua ý kiến phát biểu của các địa phương.

Để tổ chức tốt Kỳ thi, Thứ trưởng đề nghị địa phương lưu ý 7 nội dung trọng tâm. Trong đó, nhấn mạnh đầu tiên là tinh thần quyết tâm tổ chức Kỳ thi theo đúng kế hoạch đã đặt ra (thi trong 2 ngày 7-8/7). Công thức “5K + vaccine” được Thứ trưởng đưa ra; đồng thời đề nghị, mong mỏi có chế độ vaccine riêng cho thí sinh và cán bộ tham gia Kỳ thi. Trong trường hợp rất đặc biệt vì dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, địa phương đề xuất và Bộ GD&ĐT sẽ cùng các địa phương quyết định phương án thi.

Thứ hai: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một công việc rất quan trọng trong năm học với ngành Giáo dục, đòi hỏi sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt. Ban Chỉ đạo thi quốc gia đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân rõ người, rõ việc, rõ quy trình, sản phẩm thời gian.

Thứ trưởng đề nghị cũng phải xây dựng được kế hoạch tổng thể về chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương; mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo thi tại địa phương cần xây dựng kế hoạch riêng. Ban Chỉ đạo thi quốc gia sẽ kiểm tra tại các địa phương, trong đó có nội dung kiểm tra về xây dựng kế hoạch tổng thể trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.

Thứ ba: Rà soát, kiểm soát số lượng thí sinh F0, F1, F2; bố trí điểm thi dự phòng, mỗi điểm thi bố trí phòng thi dự phòng cho đối tượng nghi nhiễm. Việc này cần làm sớm để xây dựng phương án bố trí phòng thi hợp lý.

Thứ tư: Một trong những việc quan trọng là chọn đúng người, giao đúng việc; chọn người có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm để tham gia vào Kỳ thi. Trong đó, đặc biệt là những người đứng đầu, nhất là trưởng điểm thi, trưởng ban coi thi, trưởng ban chấm thi… Người đứng đầu ngay ngắn thì Kỳ thi sẽ ngay ngắn.

Thứ năm: Thực hiện nghiêm túc công tác tập huấn nghiệp vụ thi; nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra thi. Bộ GD&ĐT đã xây dựng các hướng dẫn cụ thể, cầm tay chỉ việc từng cách làm; những tài liệu này được gửi đến từng trường, từng cán bộ giáo viên tham gia làm thi. Sau tập huấn cần có kiểm tra, đánh giá kết quả.

Thứ sáu: Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện khác cho tổ chức Kỳ thi.

Thứ bảy: Công tác phối hợp với các ngành để bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi; đặc biệt là với ngành Công an, Y tế. Với ngành Công an, Thứ trưởng đề nghị lưu ý trong bảo đảm an ninh, an toàn trường thi, đề và bài thi; tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi tham gia giao thông trong Kỳ thi… Ngành Y tế đã có công văn hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch Covid-19 trong Kỳ thi; lưu ý cần có xe cấp cứu ở các quận/huyện để kịp thời xử lý tình huống có thể xảy ra liên quan đến sức khỏe cán bộ, thí sinh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Tổ chức Kỳ thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất

Chia sẻ với các địa phương, đặc biệt nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời cảm ơn, ghi nhận, biểu dương tinh thần chủ động, linh hoạt, sự ứng phó kịp thời và nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động Giáo dục – Đào tạo. Từ đó, hoàn thành kế hoạch năm học trong điều kiện dịch bệnh.

Bộ trưởng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay - theo như Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ - cơ bản tiếp nối những kết quả, phương thức đã được triển khai ở năm 2020. Đồng thời, thống nhất tinh thần không lơ là, chủ quan; nhưng cũng không lo lắng, cực đoan; để bảo đảm mục tiêu “kép”: kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan.

Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã triển khai những nội dung liên quan đến Kỳ thi do bộ, ngành mình đảm nhiệm và phối hợp với Bộ GD&ĐT với tinh thần trách nhiệm rất cao. Về địa phương, đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, nhiều địa phương thành lập đến Ban Chỉ đạo cấp huyện để chỉ đạo tổ chức Kỳ thi; đồng thời triển khai các công tác của Ban Chỉ đạo. Nhiều địa phương ban hành văn bản phối hợp với các sở, ban, ngành trong tổ chức Kỳ thi; thể hiện tinh thần sẵn sàng và trách nhiệm cao.

Bộ trưởng mong rằng, tinh thần phối hợp này của các bộ ngành tiếp tục phát huy tốt trong thời gian chuẩn bị còn lại, cũng như trong thời gian thi và sau Kỳ thi. Mong lãnh đạo địa phương, trong rất nhiều công việc cần ưu tiên, tiếp tục dành sự ưu tiên cho mảng công tác giáo dục, đặc biệt cho Kỳ thi.

Nhấn mạnh lại tinh thần không vì tập trung cao độ cho yêu cầu chuyên môn của Kỳ thi mà lơ là phòng chống dịch và ngược lại, không vì tập trung phòng chống dịch mà coi nhẹ phương diện chuyên môn của Kỳ thi, Bộ trưởng cho biết: sau hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương. Trong đó có nội dung liên quan đến ứng phó với dịch bệnh diễn ra trong Kỳ thi, cũng như một số chính sách phù hợp với tình hình dịch bệnh. Làm sao để địa phương có hướng dẫn cụ thể và có thể thực hiện một cách dễ dàng, đồng bộ, để có được một Kỳ thi tốt nhất.

Cho biết, Kỳ thi trong điều kiện dịch bệnh sẽ có nhiều vất vả, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo chu đáo, quyết tâm cao, phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong Kỳ thi này.

Nhân hội nghị này, Bộ trưởng đồng thời gửi gắm mong mỏi đến lãnh đạo các địa phương trong việc tiếp tục quan tâm đến một số vấn đề của ngành Giáo dục; dành quan tâm, đầu tư các điều kiện để thực hiện nhiều nội dung trong công tác giáo dục đào tạo tại địa phương, không chỉ Kỳ thi. Trong đó có chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới; đặc biệt các điều kiện cần thiết để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay15,701
  • Tháng hiện tại282,474
  • Tổng lượt truy cập13,755,586
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây