Chương trình bồi dưỡng môn tích hợp có trái Luật Giáo dục, chất lượng sẽ ra sao?

Chủ nhật - 31/10/2021 04:55 333 0
GDVN- Bậc trung học cơ sở thừa hàng ngàn giáo viên, nhưng thầy cô đang dạy đơn môn cũ phải bồi dưỡng 1-2 phân môn để có thể dạy Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí.
Chương trình bồi dưỡng môn tích hợp có trái Luật Giáo dục, chất lượng sẽ ra sao?

Theo lộ trình áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2021-2022, chương trình này đã được triển khai ở lớp 2, lớp 6 và tiếp tục cuốn chiếu ở các lớp cao hơn. Đến năm học 2024 - 2025, toàn bộ chương trình mới sẽ được áp dụng.

Thế nhưng, việc dạy các môn “tích hợp” hiện tại ở bậc trung học cơ sở đang khiến cả giáo viên lẫn lãnh đạo nhà trường lúng túng, trong đó bất cập nhất là việc bố trí nhân sự.

Bất cập bồi dưỡng giáo viên “tích hợp”

Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020) quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học, trong đó có sự thay đổi đối với mầm non (từ trung cấp lên cao đẳng), tiểu học (từ trung cấp lên đại học), trung học cơ sở (từ cao đẳng lên đại học).

Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên các cấp học nêu trên là nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.

Thế nhưng, Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 cho phép người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn “tích hợp”, theo ý kiến cá nhân người viết, Bộ Giáo dục đang đào tạo giáo viên theo kiểu chắp vá, đi ngược lại với quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên theo Luật Giáo dục 2019.

02 quyết định trên viết rằng: Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lí/Khoa học tự nhiên.

Cụ thể, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo” (trích): “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Trong khi đó, Công văn số 3397/BGDĐT-NGCBQLGD về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông ngày 11/8 cho biết, theo cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Giáo dục, năm học 2020-2021, toàn quốc thừa 10.344 giáo viên chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học cơ sở khi việc sắp xếp, bố trí giáo viên được phân cấp cho chính quyền cấp quận/huyện (cụ thể, cấp tiểu thừa học 5.341, trung học cơ sở thừa 4.688, trung học phổ thông thừa 315).

Như thế, chỉ riêng bậc trung học cơ sở đang thừa hàng ngàn giáo viên (chưa được tuyển dụng), còn giáo viên dạy đơn môn hiện tại (bậc trung học cơ sở) thì phải bồi dưỡng để có thể dạy môn “tích hợp” – sao quá oái oăm!
 

Giáo viên dạy các môn “tích hợp” trong chương trình mới cần phải học văn bằng 2

Ngày 22/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Theo đó, nội dung 2 Điều 7 quy định khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau (trích):

- Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;

- Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

Như thế, trung bình mỗi năm sinh viên phải tích lũy 30 tín chỉ mới đủ điều kiện tốt nghiệp đại học. Nhưng Quyết định số 2454, 255/QĐ-BGDĐT ngày 21/7/2021 cho phép người đã tốt nghiệp đại học được học thêm 20 tín chỉ để dạy môn tích hợp là thiếu mất 10 tín chỉ so với quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT.

Nan giải việc ghi học bạ, vào sổ theo dõi các môn tích hợp mới
Nan giải việc ghi học bạ, vào sổ theo dõi các môn tích hợp mới

Hơn nữa, chương trình đào tạo các chuyên ngành ở trường đại học rất khác nhau nên không có chuyện giáo viên được bồi dưỡng 20 tín chỉ ở chuyên ngành thứ hai thì trình độ ngang bằng với người học chuyên ngành thứ nhất. Vậy nên, theo tôi, giáo viên muốn dạy tích hợp cần phải học văn bằng 2 mới đáp ứng chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Ngày 30/3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 10/2018/TT-BGDĐT quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ hai trình độ đại học, trình độ cao đẳng đào tạo nhóm ngành giáo viên.

Theo đó, điều kiện của người dự tuyển đào tạo văn bằng thứ 2 được quy định như sau (trích):

Người dự tuyển đào tạo văn bằng thứ 2 trình độ đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên phải có bằng tốt nghiệp đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên do các cơ sở đào tạo giáo viên trong nước cấp hoặc bằng tốt nghiệp đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên do các cơ sở đào tạo giáo viên nước ngoài cấp và được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời phải đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thay lời kết

Năm học 2020-2021 là thời điểm các địa phương phải thực hiện việc nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, như quy định mới trong Luật Giáo dục 2019. Được biết, có khoảng 300.000 giáo viên sẽ phải đào tạo nâng chuẩn trong khoảng 10 năm tới.

Tuy vậy, giáo viên vừa học nâng chuẩn vừa bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ để có thể dạy 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thì chất lượng giáo dục rồi sẽ về đâu?

Tài liệu tham khảo:

https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1254

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3397-BGDDT-NGCBQLGD-2021-giai-quyet-tinh-trang-thua-giao-vien-cac-cap-hoc-pho-thong-485386.aspx

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-17-2021-tt-bgddt-chuan-chuong-trinh-dao-tao-giao-duc-dai-hoc-204157-d1.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-10-2018-tt-bgddt-dao-tao-bang-tot-nghiep-thu-2-nganh-su-pham-163439-d1.html

https://tuoitre.vn/lo-trinh-10-nam-nang-chuan-giao-vien-2020082319333527.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên - Chương trình bồi dưỡng môn tích hợp có trái Luật Giáo dục, chất lượng sẽ ra sao? - Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn)

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập163
  • Hôm nay19,591
  • Tháng hiện tại33,013
  • Tổng lượt truy cập13,932,923
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây