Vì sao Olympic phập phồng hơn Euro?

Chủ nhật - 18/07/2021 04:53 361 0
TTO - Hơn một tháng trước, người hâm mộ châu Âu tưng bừng đón VCK Euro 2020. Nhưng vào lúc này, ban tổ chức cũng như người dân Tokyo lại đang căng thẳng đếm ngược "trước giờ G" cho kỳ Olympic đầy tranh cãi của họ.
Vì sao Olympic phập phồng hơn Euro?

Trong một cuộc khảo sát quy mô do nhật báo Asahi Shimbun đưa ra hồi tháng 5, chỉ có 14% người dân Nhật đồng ý việc tổ chức đại hội theo đúng dự định. Và một chiến dịch mang tên Stop Tokyo Olympic (chấm dứt việc tổ chức Olympic Tokyo) được dấy lên đã thu thập gần nửa triệu chữ ký của người dân Nhật. Japan Doctors Union - một trong những hiệp hội y học có quyền lực ở Nhật Bản - khẳng định rủi ro từ Olympic là không chấp nhận được.

Trong khi đó, người dân châu Âu đã tưng bừng mở hội từ trước thềm VCK Euro. Có rất ít cảnh báo được đưa ra trước ngày lễ khai mạc, và hầu hết các CĐV tranh giành nhau để mua vé vào sân.

Tại sao có sự khác nhau trong cách tiếp nhận hai sự kiện thể thao lớn này?

Khác biệt về quy mô

Đầu tiên, Olympic phức tạp hơn Euro rất nhiều về mặt tổ chức. 24 đội bóng dự Euro có 26 cầu thủ mỗi đội (riêng Tây Ban Nha chỉ có 24 cầu thủ). Nếu tính cả ban huấn luyện, đội ngũ y tế, lãnh đạo... số người tham gia trực tiếp vào VCK Euro 2020 cũng chỉ khoảng 1.000 - 2.000 người. Còn ở Olympic, chỉ riêng số lượng VĐV đã hơn 11.000 người, và lên đến 30.000 người nếu tính cả HLV, đội ngũ chăm sóc...

Trong khi đó, Euro 2020 được tổ chức ở 11 nước và các đội tuyển cũng đặt bản doanh tại những khách sạn riêng lẻ khác nhau. Còn truyền thống của Olympic là "làng VĐV" - nơi tập trung hàng chục ngàn người tham dự. Dù Olympic còn được tổ chức rải rác ở các thành phố lân cận Tokyo, nhưng làng VĐV luôn quy tụ khoảng 60 - 70% lượng người tham gia. Ở Olympic Tokyo, ban tổ chức đã xây dựng khu phức hợp gồm 21 tòa nhà và 3.800 căn hộ để phục vụ cho 18.000 người. Như vậy trung bình 1 căn hộ phải chứa khoảng 5 người. Đây là tiêu chuẩn khác xa so với Euro - nơi các cầu thủ đều có phòng riêng trong suốt giải đấu.

Khác biệt về môi trường lây nhiễm trong thi đấu

Bản chất các cuộc thi đấu cũng khá khác biệt. Trên thực tế, bóng đá nằm trong nhóm những môn thể thao mà người chơi tiếp xúc với nhau không nhiều. Một nghiên cứu của ĐH Aarhus và Nam Đan Mạch cho thấy trung bình trong một trận đấu, các cầu thủ chỉ tiếp xúc với một cầu thủ khác ở khoảng cách dưới 3m có 88 giây (3m được xem là khoảng cách tối thiểu để giữ an toàn, không lây truyền virus). Vì vậy, chúng ta đã thấy có một số cầu thủ ở Euro dính COVID-19, nhưng rồi không có đội bóng nào "vỡ trận" bởi họ luôn giới hạn được số lượng ca nhiễm trong đội ở dưới con số 3.

Trái lại, toàn bộ các môn võ thuật ở Olympic các VĐV đều phải tiếp xúc trực tiếp trong khoảng thời gian khá lâu. Một số môn như bóng chuyền, bóng bàn... lại diễn ra trong phòng lạnh - được xem là môi trường dễ phát tán virus. Nếu chẳng may có một VĐV dính virus, e rằng khó có chuyện khoanh vùng kịp thời như Euro.

Khác biệt về tình trạng y tế

Theo thống kê của World In Our Data, chỉ khoảng 31% dân số Nhật đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia châu Âu đăng cai Euro đều đạt mức 50% dân số tiêm một mũi vắc xin. Ngoài ra, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 1,35% người dân Tokyo có kháng thể với COVID-19. Còn theo nghiên cứu của Văn phòng thống kê quốc gia Anh giữa mùa Euro, khoảng 90% người dân Anh có kháng thể. Do đó, có thể hiểu vì sao sân Wembley lại tràn ngập CĐV trong các trận bán kết và chung kết Euro.

Tuy nhiên, việc ban tổ chức cấm khán giả vào sân ở hầu hết các địa điểm thi đấu Olympic xem như đã hạn chế tối đa những nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra ở Olympic.

 

Djokovic "cứu" Olympic Tokyo

Đã có nhiều ngôi sao thông báo không tham dự Olympic Tokyo như Dustin Johnson (golf), Roger Federer, Serena Williams, Rafael Nadal (quần vợt), Neymar, Mbappe, Salah (bóng đá)... Ngay cả lực sĩ cử tạ Triều Tiên Om Yun-Chol cũng từ chối tham dự vì sợ dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, việc Novak Djokovic hướng đến Olympic là điều an ủi lớn cho ban tổ chức đại hội, nhất là khi anh thể hiện quyết tâm vô địch Olympic để trở thành tay vợt nam đầu tiên hoàn thành được cú "Golden Slam" - tức vô địch cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng danh hiệu đơn ở Olympic trong cùng một năm (Djokovic cần thêm Olympic và Mỹ mở rộng).
https://tuoitre.vn/vi-sao-olympic-phap-phong-hon-euro-20210717093740506.htm

Nguồn tin: tuoitre.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay13,509
  • Tháng hiện tại71,810
  • Tổng lượt truy cập13,544,922
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây