55 nhân viên Nhiệt đới không triệu chứng Covid nhờ vaccine

Thứ hai - 14/06/2021 02:24 308 0
55 nhân viên Nhiệt đới không triệu chứng Covid nhờ vaccine

Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM ngày 14/6 cho biết 55 nhân viên y tế mắc Covid-19 hoàn toàn không triệu chứng bất thường do đã tiêm đủ hai liều vaccine.

"Tất cả họ đều khỏe mạnh, không có triệu chứng Covid-19, không sốt, không ho, không đau họng, không mất vị giác, không mất khứu giác, tâm lý ổn định", tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc bệnh viện, nói với VnExpress.

Triệu chứng thông thường Covid-19 là sốt, ho, khó thở. Nếu diễn biến bệnh nặng hơn, "bất thường", bệnh nhân có thể tổn thương phổi, tình trạng đông máu, suy thận, bão cytokine...

Theo bác sĩ Châu, 55 nhân viên này đã được tiêm đầy đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Do đó, dù bị nhiễm nCoV nhưng tải lượng virus, tức lượng virus trong một thể tích máu cơ thể, thấp. Người bệnh ít khả năng diễn biến nặng hơn so với người không tiêm vaccine, khả năng lây lan ra cộng đồng cũng thấp hơn.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các nhân viên dương tính này nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine.

 
Quân đội phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chiều 13/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Quân đội phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, chiều 13/6. Ảnh: Hữu Khoa.

Đến nay, gần như chưa quốc gia nào công bố các nghiên cứu cụ thể và trên quy mô lớn, lâu dài, về hiệu quả vaccine đối với các biến chủng mới, trừ tuyên bố từ các nhà sản xuất. Những nghiên cứu sơ bộ trên thế giới cho thấy các loại vaccine hiệu quả với nCoV nguyên bản, song giảm tác dụng khi tiếp xúc với biến thể Alpha từ Anh, Beta từ Nam Phi và Delta từ Ấn Độ.

Kể từ đầu năm 2021, các biến thể mới nổi trở thành thách thức đối với chương trình tiêm chủng toàn cầu. Bên cạnh khả năng lây lan nhanh chóng, biến thể Alpha từ Anh, Beta từ Nam Phi và Delta từ Ấn Độ có thể trốn tránh hệ miễn dịch.

Đến nay, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy vaccine Covid-19 nói chung nhận biết được biến thể, song độ hiệu quả giảm đáng kể khi tiếp xúc với virus.

Có một số nguyên nhân khiến miễn dịch tạo ra do vaccine nhận biết biến thể song không chống lại được nó. Thông thường, kháng thể bảo vệ người dùng bằng cách gắn vào các protein đột biến trên bề mặt nCoV, không cho chúng lây nhiễm sang tế bào. Nếu biến thể tạo ra nhiều virus hơn trong một lần nhân lên, kháng thể khó gắn chính xác vào các protein đột biến, từ đó giảm hiệu quả.

Các loại vaccine mũi nhọn hiện nay như Moderna, Pfizer, AstraZeneca phản ứng khác nhau đối với từng biến thể nCoV.

Vaccine AstraZeneca được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.

Theo dữ liệu từ hãng AstraZeneca, vaccine hiệu quả 76% trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng, tức là nguy cơ người tiêm vaccine mắc Covid-19 thấp hơn 76% so với người không tiêm. Vaccine hiệu quả 100% ngăn ngừa bệnh chuyển nặng sau khi tiêm đủ hai liều.

Nghiên cứu công bố hồi tháng 2 tại Anh cho thấy vaccine có tác dụng 74,6% chống lại biến thể Alpha, song giảm hiệu quả khi gặp biến thể Beta. Do đó, Nam Phi đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng.

Đối với biến thể Delta của Ấn Độ, hai liều vaccine có hiệu quả 60%. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm một liều, người dùng gần như không được bảo vệ. Ba tuần sau liều đầu tiên, vaccine AstraZeneca chỉ hiệu quả 33% với biến thể Delta.

Vaccine Pfizer được điều chế bằng công nghệ mRNA, mang thông tin di truyền của nCoV vào cơ thể, thay vì virus nguyên bản đã bất hoạt hoặc giảm độc lực. Vaccine cung cấp thông tin về "bản mẫu" của virus mà không gây bệnh. Bản mẫu cho phép hệ miễn dịch làm quen mầm bệnh và tiêu diệt chúng sau này.

 
Một lọ vaccine Covid-19 của Pfizer được sử dụng tại Mỹ. Ảnh: NY Times

Một lọ vaccine Covid-19 của Pfizer được sử dụng tại Mỹ. Ảnh: NY Times

Ngày 2/4, Pfizer thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine hiệu quả 95,3%, ngăn ngừa cả trường hợp nhiễm nCoV nghiêm trọng. Miễn dịch tạo bởi vaccine kéo dài ít nhất 6 tháng nếu tiêm hai liều.

Đầu tháng 5, Pfizer thông báo vaccine hiệu quả 95% ngăn ngừa bệnh chuyển nặng hoặc tử vọng ở người nhiễm biến thể Alpha và Beta. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu thực tế, thu thập sau khi vaccine được triển khai ở nhiều nước. Đối với biến thể Ấn Độ, hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai, vaccine hiệu quả 88%, giảm nhẹ so với khi gặp virus nguyên bản hoặc biến thể Alpha, Beta.

Giống với vaccine Pfizer, vaccine Moderna sử dụng công nghệ mRNA. Kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine hiệu quả 94,5% trong ngăn ngừa triệu chứng Covid-19. Hai mũi vaccine có thể giảm 94% nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học New York và Trung tâm NYU Langone, Mỹ, vaccine Moderna vẫn hiệu quả cao với biến thể Delta. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kết quả sơ bộ. Công trình chưa được xuất bản trên tạp chí y khoa. Các nhà khoa học cũng chưa cho biết độ bảo vệ của vaccine là bao nhiêu phần trăm khi gặp biến thể Delta.

Đến nay, số người sử dụng vaccine Moderna ít hơn nhiều so với AstraZeneca và Pfizer. Các nhà khoa học chưa đủ dữ liệu để kết luận nó có hiệu quả trên biến thể Anh và Nam Phi hay không.

Vaccine Johnson & Johnson (J&J) điều chế bằng công nghệ vector, giống với vaccine AstraZeneca. Vaccine hiệu quả 71% về tổng thể và 86% chống lại các ca nhiễm nCoV nặng.

Ở Nam Phi, độ bảo vệ của vaccine giảm xuống còn 64% do biến thể Beta lưu hành. Đối với biến thể Alpha, vaccine không gảm hiệu quả. Đối với biến thể Delta, các nhà khoa học chưa có đủ dữ liệu để kết luận vì vaccine J&J chưa được triển khai trên quá nhiều người. Họ cần tiến hành đánh giá thêm. Tuy nhiên, theo nghiên cứu sơ bộ của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ, kết quả rất "đáng khích lệ".

Còn tại TP HCM, theo bác sĩ Châu, các chuyên gia đang theo dõi sát và nghiên cứu kỹ hơn về hiệu quả vaccine đối với 55 nhân viên y tế mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ hai liều.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), kết quả tầm soát 107 F1 là thành viên gia đình của các ca dương đã phát hiện 7 trường hợp dương tính, số còn lại hiện vẫn âm tính. Mức độ lây lan ở chuỗi dịch Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (55 nhân viên lây cho 7 F1 là người nhà) cũng thấp hơn so với chuỗi dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay14,631
  • Tháng hiện tại400,960
  • Tổng lượt truy cập14,300,870
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây